Bế mạc Hội thảo khoa học quốc tế “Thỏa thuận đối tác của các nền kinh tế Châu Á – Thái Bình Dương: Cấu trúc, tiêu chuẩn và thực thi”

Phát triển bền vững là một trong những mối quan tâm hàng đầu của các quốc gia khi tham gia các Hiệp định tự do thương mại hay các Hiệp định về đầu tư. Rất nhiều khía cạnh khác nhau của vấn đề này, từ môi trường đến lao động, năng lượng đã được các diễn gia thảo luận tại ngày làm việc thứ hai của Hội thảo quốc tế “Thỏa thuận đối tác của các nền kinh tế châu Á – Thái Bình Dương: Cấu trúc, tiêu chuẩn và thực thi” diễn ra tại Hội trường A1002 trường Đại học Luật TP.HCM, cơ sở Nguyễn Tất Thành vào sáng ngày 26/11/2019.

Hội thảo đón nhận nhiều bài tham luận cũng như sự tham gia của các chuyên gia, học giả có uy tín trong nước và quốc tế như GS. Erwan Lannon – Khoa Luật, Đại học Ghent (Bỉ); GS. Yumiko Nakanishi – GS Luật, Đại học Hitotsubashi (Nhật Bản); GS. Berramdane Abdelkhaleq – Cố vấn pháp lý Nghị viện Châu Âu, Giáo sư Danh dự của Đại học Tours (Pháp); GS. Joël Lebullenger - Giáo sư Danh dự của Đại học Rennes 1 (Pháp); TS. Nguyễn Đức Vinh – Giảng viên trường Đại học Ngoại thương Hà Nội cơ sở II (TP.HCM), cùng các giáo sư, nhà khoa học đến từ  Đại học Québec tại Montréal, Đại học Tours, Đại học Rennes 1 và Rennes 2, Đại học Chiang Mai và Đại học Ngoại thương.

Đại diện trường Đại học Luật TP. HCM gồm có PGS.TS Trần Việt Dũng – Trưởng khoa Luật Quốc Tế, PGS.TS Trần Thị Thùy Dương – Phó Tổng biên tập Tạp chí Khoa học Pháp lý Việt Nam cùng đông đảo giảng viên và các bạn sinh viên có quan tâm tham dự.

 

Buổi hội thảo nhận được nhiều sự quan tâm và tham dự của các học giả trong và ngoài nước

Buổi hội thảo được chia làm 02 phiên thảo luận.

Phiên đầu tiên được chủ trì bởi GS. Erwan Lannon, GS. Yumiko Nakanishi và PGS.TS Trần Thị Thùy Dương với 02 bài tham luận tập trung vào các vấn đề chính sau:

- Tham luận “Vấn đề môi trường và năng lượng trong các Hiệp định Đối tác giữa Liên minh Châu Âu và Nhật Bản” do GS. Yumiko Nakanishi trình bày;

- Tham luận “Đầu tư nước ngoài trực tiếp và một chính sách phát triển bền vững hài hòa của các quốc gia ASEAN: Huyền thoại hay thực tế?” do PGS.TS Trần Thị Thùy Dương trình bày.

 

Chủ tọa phiên thảo luận thứ nhất (từ trái qua): GS. Yumiko Nakanishi, GS. Erwan Lannon, PGS.TS Trần Thị Thùy Dương

Trong phiên thảo luận này, GS. Yumiko Nakanishi nhấn mạnh tầm quan trọng đối với vấn đề năng lượng và bảo vệ môi trường trong việc thực hiện các cam kết thương mại hay các Hiệp định đối tác chiến lược có nội dung quy định về phát triển bền vững ở Nhật Bản. PGS. TS.Trần Thị Thùy Dương đã đánh giá tính khả thi của chính sách hài hòa giữa đầu tư quốc tế và phát triền bền vững tại các quốc gia đang phát triển, nơi mà mục tiêu phát triển kinh tế và thu hút đầu tư làm lu mờ các rủi ro về môi trường đi kèm với sự phát triển của nền kinh tế. Bằng việc lấy ví dụ từ các tình huống đã xảy ra trong thực tế như việc Công ty TNHH Gang thép Hưng nghiệp Formosa Hà Tĩnh gây ô nhiễm nghiêm trọng môi trường biển tại địa phương, PGS.TS đã chỉ ra hậu quả đối với nền kinh tế và đời sống người dân khi xem nhẹ việc bảo vệ môi trường và nhấn mạnh rằng, nếu quan điểm về vấn đề này không thay đổi theo hướng tích cực thì nó sẽ là một cản trở để các Hiệp định thương mại có hiệu lực thực thi.

Phiên thứ hai với sự dẫn dắt của PGS.TS Trần Việt Dũng đã đề cập đến 04khía cạnh khác nhau xoay quanh các Hiệp định tự do thương mại, bao gồm:

- Tham luận “Tác động của Hiệp định Bảo hộ Đầu tư Việt Nam – EU đối với phạm vi chính sách của Việt Nam trong lĩnh vực đầu tư năng lượng tái tạo” do ThS. Nguyễn Xuân Mỹ Hiền trình bày;

- Tham luận “Việc chuyển các quy tắc xã hội và môi trường của các FTA EVFTA,CPTPP vào pháp luật Việt Nam” do TS. Nguyễn Đức Vinh trình bày;

- Tham luận “Áp dụng quy trình chuẩn để đảm bảo đối xử công bằng và hợp lý trong các Hiệp định Thương mại thế hệ mới của Việt Nam” do ThS. Nguyễn Hoàng Thái Hy trình bày;

- Tham luận “Thực thi quy định của Hiệp định CPTPP liên quan đến chế tài dân sự về hành vi xâm phạm quyền tác giả và thách thức cho Việt Nam” do ThS. Nguyễn Phương Thảo trình bày.

 

ThS. Nguyễn Phương Thảo trình bày bài tham luận của mình

Qua phần trình bày của các học giả, mục tiêu phát triển bền vững đã được khai thác một cách toàn diện. Rất nhiều vấn đề chuyên sâu được thảo luận, chẳng hạn như việc thay đổi các chính sách ưu đãi cho nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào lĩnh vực năng lượng tái tạo vào Việt Nam hay những chồng chéo về mặt pháp luật trong việc quy định các quy trình chuẩn (due process) như đăng ký doanh nghiệp, báo cáo đánh giá tác động môi trường, cấp giấy phép khai thác khoáng sản, v.v..Ngoài ra, giải quyết các thách thức về mặt khung pháp lý đối với lĩnh vực lao động đối với một nền kinh tế đang phát triển như Việt Nam cũng là một bước không thể thiếu để đưa các Hiệp định tự do thương mại đi vào thực tiễn.Cụ thể, các quy định về quyền tự do hiệp hội, xóa bỏ lao động cưỡng bức, lao động trẻ em cần được cụ thể hóa trong Bộ luật lao động sửa đổi để hài hòa với quy định của các Công ước ILO. 

 

TS. Nguyễn Đức Vinh trao đổi thêm về bài tham luận của mình

Sau hai phiên thảo luận, các chuyên gia đã tiến hành trao đổi, tranh luận sôi nổi, đồng thời đóng góp nhiều ý kiến mang tính xây dựngvề những nội dung trọng điểm trong các bài tham luận nhằm mở đầu cho phần sau của chuỗi hội thảo “Quan hệ hợp tác của các nền kinh tế Thái Bình Dương: Chiến lược và nội dung”sẽ được diễn ra tại Đại học Chiang Mai (Thái Lan)sắp tới.

 

GS. Joël Lebullenger bày tỏ ý kiến tại Hội thảo

Cuối buổi Hội thảo, GS. Berramdane Abdelkhaleq không chỉ tổng kết lại các nội dung được giới học giả, chuyên gia trong ngành tiến hành đối thoại, góp ý, mà còn gửi lời cảm ơn sâu sắc đến phía lãnh đạo, đại diện Trường Đại học Luật TP.HCM vì các công tác chuẩn bị nhằm phục vụ cho Hội thảo diễn ra thành công trong 02 ngày vừa qua. Bên cạnh đó, trong lời phát biểu kết luận và kết thúc Hội thảo, PGS.TS Trần Thị Thùy Dương ghi nhận các ý kiến đóng góp, các bài viết học thuật cho các chủ đề liên quan đến thỏa thuận đối tác của các nền kinh tế khu vực Châu Á – Thái Bình Dương cho các buổi Hội thảo trong tương lai không xa.

Nội dung: Bảo Ngân, Thu Hương

Hình Ảnh: Chí Nguyên

Ban Truyền thông ULAW

 


--%>
Top