Tổng thuật Toạ đàm “Kinh nghiệm về công bố bài báo quốc tế”

Nhằm chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm, đồng thời hỗ trợ giảng viên, nghiên cứu sinh của trường có thêm thông tin về công bố bài báo trên các tạp chí quốc tế, sáng ngày 10/07, trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh đã tổ chức Toạ đàm “Kinh nghiệm về công bố bài báo quốc tế” tại hội trường A1002, cơ sở Nguyễn Tất Thành.

Tọa đàm vinh dự được đón tiếp PGS.TS Nguyễn Thời Trung, Viện trưởng Viện Khoa học tính toán, Trường Đại học Tôn Đức Thắng; TS Lê Nhật Hạnh – Trường Đại học Kinh tế Tp.HCM; TS Đỗ Hải Hà – Nghiên cứu viên tại Đại học Oxford; đại diện các Trường Đại học, cơ quan thông tấn báo chí.

Về phía Trường Đại học Luật TP.HCM có sự hiện diện của PGS.TS Bùi Xuân Hải – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Luật TP.HCM, TS Lê Thị Thúy Hương – Trưởng phòng Quản lý NCKH và hợp tác quốc tế, PGS TS Nguyễn Cảnh Hợp – Phó Chủ tịch Hội đồng KH&ĐT, PGS.TS Đỗ Minh Khôi – Trưởng bộ môn Lý luận Nhà nước và Pháp luật - Khoa Luật Hành chính Nhà nước, TS Cao Vũ Minh – Phó Tổng biên tập Tạp chí Khoa học pháp lý Việt Nam, cùng lãnh đạo và các cán bộ, giảng viên của các khoa, các đơn vị của Nhà trường.

Phát biểu khai mạc, PGS.TS Bùi Xuân Hải nêu một trường đại học phải đi bằng hai chân: đào tạo và NCKH. Tuy nhiên, tại trường Đại học Luật chúng ta số lượng công bố bài báo quốc tế, đặc biệt là các bài báo nằm trong danh mục ISI, Scopus còn rất hạn chế, có lẽ vì nhiều lý do: sự hỗ trợ nhà trường chưa đủ hay chính các Thầy Cô còn chưa nỗ lực để thực hiện các bài báo quốc tế. Một trong những nguyên nhân chính có lẽ chúng ta chưa có phương pháp để thực hiện một bài báo quốc tế từ việc chọn Tạp chí, chọn đề tài, cách thức viết bài, gửi bài… Vì vậy tại tọa đàm hy vọng sẽ nhận được các chia sẻ quý báu từ các đại biểu ngoài trường là những người đã có nhiều công bố quốc tế và các Thầy Cô trong trường có kinh nghiệm công bố quốc tế để giúp các Thầy Cô trong trường thực hiện được các công bố quốc tế.

Mở đầu, PGS. TS Nguyễn Thời Trung trình bày chuyên đề: “Chia sẻ kinh nghiệm công bố quốc tế từ Đại học Tôn Đức Thắng”. Tác giả chia sẻ kinh nghiệm để thực hiện và công bố các bài báo quốc tế gồm: cách chọn hướng nghiên cứu, xây dựng nhóm nghiên cứu, kế hoạch hoạt động để phát triển NCKH, phát triển hợp tác NCKH trong và ngoài nước, vai trò người đứng đầu, cơ chế tự chủ đại học, vai trò của Quỹ phát triển khoa học và nghiên cứu quốc gia NAFOSTED.

Thứ hai, TS Lê Nhật Hạnh trình bày về kinh nghiệm công bố bài báo quốc tế trao đổi các kinh nghiệm nghiên cứu trong lĩnh vực khoa học quản trị. Tác giả chia sẻ so sánh số liệu công bố quốc tế có thể dễ dàng nhận định lĩnh vực đa ngành, khoa học tự nhiên có số lượng công bố gấp nhiều lần KHXH. Điều này cũng dễ hiểu vì tính thời sự và khả năng ứng dụng của KHTN cao hơn KHXH. Do vậy, việc công bố bài báo quốc tế trong lĩnh vực KHXH, đặc biệt Luật học thì càng khó. Hạn chế của người nghiên cứu trong lĩnh vực KHXH là mang nặng yếu tố định tính mà thiếu đi yếu tố định lượng. Vì thế, nội dung bài viết thiếu tính thuyết phục.

Thứ ba, TS Đỗ Hải Hà cho biết khoa học pháp lý Việt Nam đang có những khác biệt, khoảng cách rất xa với thông lệ quốc tế nên ảnh hưởng đến việc được chấp nhận các công bố QT. Do vậy, phải thay đổi cách nghĩ, cách làm phù hợp với nhu cầu của quốc tế mới có thể công bố được nhiều bài báo quốc tế.

Thứ tư, PGS.TS Đỗ Minh Khôi đặt ra các câu hỏi mang tính chất gợi mở cho các đại biểu tham dự để chuẩn bị cho việc công bố bài báo quốc tế như: Thầy Cô đã bao giờ đọc một bài báo quốc tế liên quan đến đề tài, lĩnh vực mình đang hoặc dự định nghiên cứu hay chưa? Thầy Cô có tìm hiểu tác giả nào nổi tiếng về lĩnh vực mình nghiên cứu hay không? Thầy Cô đã bao giờ tập viết một bài báo quốc tế hay chưa? Thầy Cô có đặt mình vào vị trí của người đọc khi đón nhận bài viết của mình hay chưa?

Thứ năm, TS Cao Vũ Minh chia sẻ kinh nghiệm công bố bài báo quốc tế trong lĩnh vực pháp lý như: hình thức công bố, cách trình bày bài viết, các yếu tố ảnh hưởng đến công bố quốc tế ngành luật (gồm: xây dựng ekip làm việc, sự hỗ trợ tài chính, sự “đỡ đầu” của các Giáo sư quốc tế, sự quan tâm và tấm gương của người lãnh đạo…)

Cuối cùng, NCS.ThS Lê Hoàng Phong chia sẻ kinh nghiệm về các vấn đề sau: Tra cứu danh mục tạp chí ISI & Scopus; một số trang web & mạng xã hội học thuật; quy trình quản lý bài viết của tạp chí; một số vấn đề lưu ý khi gửi bài; một số lý do bài viết bị từ chối hoặc đánh giá thấp; trả lời editor & reviewer.

Sau phần trình bày của các diễn giả, các đại biểu tham dự Tọa đàm tiến hành thảo luận. TS Lê Văn Út – Trưởng phòng QLKH, Trường ĐH Tôn Đức Thắng cho biết muốn công bố quốc tế phải đọc các công bố quốc tế, có tâm huyết trong công bố quốc tế dù biết khó khăn, Trường Đại học Luật cần phải có chính sách vừa mềm dẻo, vừa quyết liệt để thúc đẩy công bố quốc tế tại trường, tăng dần tiêu chuẩn lên theo mỗi năm. Thực hiện chính sách đãi ngộ khi công bố các bài báo quốc tế. PGS.TS Nguyễn Thời Trung chia sẻ kinh nghiệm khi duy trì, vận hành nhóm nghiên cứu, phải bảo đảm tính công bằng, chú trọng phân chia lợi ích theo vai trò đóng góp để được thụ hưởng tương xứng.

Kết thúc phần thảo luận, PGS.TS Nguyễn Cảnh Hợp đại diện chủ tọa kết luận nội dung Tọa đàm, gửi lời cám ơn các khách mời, đại biểu và Thầy Cô tham dự Tọa đàm. Chúc tất cả quý vị đại biểu sức khỏe, hạnh phúc và thành công. Các ý kiến trao đổi và kiến nghị sẽ được đơn vị có chức năng của trường tập hợp và chuyển đến các đơn vị khác theo cách thức phù hợp nhất. Tọa đàm kết thúc vào lúc 11:30 cùng ngày.

--%>
Top