Tổng thuật hội thảo khoa học cấp Trường "Phương pháp nghiên cứu khoa học và công bố bài báo quốc tế trong lĩnh vực pháp lý"

Nghiên cứu khoa học đóng vai trò hết sức quan trọng trong hoạt động tìm kiếm một cách có hệ thống các tri thức, hay xác nhận các mối quan hệ giữa các sự kiện của tự nhiên. Đây là một trong những hoạt động cơ bản của các trường đại học, cao đẳng, học viện và các viện nghiên cứu. Việc công bố bài báo quốc tế được xem là một trong những giá trị của quá trình nghiên cứu khoa học để phổ biến kết quả nghiên cứu đến cho xã hội. Tuy nhiên, tiêu chuẩn chung của một bài báo quốc tế, cách thức đăng bài báo quốc tế và việc lựa chọn tạp chí để đăng bài… là những vấn đề cần có sự chia sẻ kinh nghiệm, đặc biệt trong lĩnh vực pháp lý.

Với mục đích tạo ra diễn đàn khoa học để trao đổi kinh nghiệm, phương pháp nghiên cứu khoa học và công bố các bài báo quốc tế trong lĩnh vực pháp lý, Trường Đại học Luật Tp. Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo khoa học cấp trường “Phương pháp nghiên cứu khoa học và công bố bài báo quốc tế trong lĩnh vực pháp lý vào lúc 08h00 ngày 07/5/2019 tại hội trường A1002.

Về phía trường Đại học Luật Tp.HCM, tham dự Hội thảo có sự hiện diện của PGS.TS Bùi Xuân Hải - Phó Hiệu trưởng trường Đại học Luật TP.HCM; PGS.TS Vũ Văn Nhiêm – Trưởng Khoa Luật Hành chính – Nhà nước; PGS.TS Trần Việt Dũng - Trưởng khoa Luật Quốc tế; PGS.TS Đỗ Văn Đại – Trưởng Khoa Luật Dân sự; PGS.TS Phan Nhật Thanh – Phó trưởng Khoa Luật Hành chính – Nhà nước; PGS.TS Nguyễn Thị Phương Hoa – Phó trưởng Khoa Luật Hình sự; PGS.TS Đỗ Minh Khôi – Trưởng bộ môn Lý luận Nhà nước và pháp luật, Khoa Luật Hành chính – Nhà nước; TS. Lê Thị Thúy Hương – Trưởng phòng Quản lý NCKH&HTQT; TS. Cao Vũ Minh - Thư ký Tòa soạn Tạp chí Khoa học pháp lý; TS. Phan Anh Tuấn - Trưởng bộ môn Luật Hình sự; TS. Thái Thị Tuyết Dung - Trưởng bộ môn Luật Hành chính; TS. Trần Hoàng Nga – Giám đốc Trung tâm Thư viện cùng nhiều giảng viên đến từ các khoa của Nhà trường. Hội thảo còn có sự hiện diện của các giảng viên, nghiên cứu sinh, học viên cao học và sinh viên các hệ đào tạo của Trường Đại học Luật TP.HCM.

Bên cạnh đó, Hội thảo còn hân hạnh đón tiếp sự hiện diện của các giảng viên và nhà nghiên cứu là các chuyên gia trong lĩnh vực pháp lý của các trường đại học trong và ngoài nước. Danh sách khách mời cụ thể như sau:

  • +PGS.TS Phạm Duy Nghĩa – Trưởng khoa Chính sách công và Quản lý – Đại học Fulbright Việt Nam;
  • +PGS TS. Bùi Ngọc Sơn – Khoa Luật Trường Đại học Trung văn Hongkong;
  • +TS. Dư Ngọc Bích – Trưởng Khoa Luật Trường Đại học Mở TP.HCM;
  • +TS. Phạm Thị Mai Khanh – Bộ môn Nghiệp vụ CSII Trường Đại học Ngoại Thương tại TP.HCM;
  • +TS. Nguyễn Thành Trung – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế Trường Đại học KHXH&NV TP.HCM;
  • +PGS.TS Phan Trung Hiền – Phó trưởng khoa Luật Trường Đại học Cần Thơ;
  • +ThS. Cao Tuấn Nghĩa – Bộ môn Luật Trường Đại học Ngoại ngữ - Tin học TP.HCM.

Hội thảo đã nhận được nhiều bài báo khoa học đến từ các chuyên gia là những người có uy tín trong nghiên cứu và công bố các bài báo quốc tế trong lĩnh vực pháp lý ở trong và ngoài nước. Trong số các bài viết được gửi đến Ban Tổ chức có 10 bài viết có chất lượng được lựa chọn và thẩm định kỷ lưỡng để in trong Kỷ yếu hội thảo. Trong đó, có 5 bài viết được lựa chọn để trình bày tại hội thảo.

Phát biểu khai mạc hội thảo, PGS.TS. Bùi Xuân Hải cho rằng công bố bài báo quốc tế là con đường tất yếu để các nhà khoa học Việt Nam vươn lên hội nhập với khoa học thế giới. Đây còn là yêu cầu cấp thiết đối với các nhà nghiên cứu, bất kể là ở lĩnh vực khoa học nào. Đối với lĩnh vực khoa học pháp lý, công bố bài báo quốc tế là điều kiện để được công nhận học vị Tiến sĩ, để được hướng dẫn nghiên cứu sinh, để được công nhận chức danh Giáo sư, Phó giáo sư, để được chọn làm thành viên Hội đồng Giáo sư nhà nước, Hội đồng Giáo sư ngành, liên ngành và Hội đồng Giáo sư cơ sở; điều kiện để được xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức giảng dạy trong các cơ sở giáo dục đại học công lập từ giảng viên chính (hạng II) lên giảng viên cao cấp (hạng I). Tuy nhiên, công bố bài báo quốc tế là hoạt động khó khăn bởi pháp luật Việt Nam với pháp luật thế giới luôn có những khác biệt lớn liên quan đến thể chế, chế độ chính trị, tư duy pháp lý…. Với mong muốn tạo ra một diễn đàn khoa học để chia sẻ, phân tích và trao đổi kinh nghiệm về cách thức viết và công bố bài báo quốc tế, Trường Đại học Luật TP.HCM tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề “Phương pháp nghiên cứu khoa học và công bố bài báo quốc tế trong lĩnh vực pháp lý”.

Hội thảo được tổ chức thành 2 phiên. Phiên thứ nhất dưới sự dưới sự chủ trì của chủ tọa gồm: PGS.TS. Bùi Xuân Hải, PGS.TS Phạm Duy Nghĩa, PGS.TS Vũ Văn Nhiêm.

Trình bày đầu tiên là bài tham luận của PGS.TS Đỗ Minh Khôi về vấn đề “Thiết kế nghiên cứu và tính lôgic trong nghiên cứu khoa học”. Bài viết trình bày trong lĩnh vực nghiên cứu luật học, đặc biệt là hoạt động thực hiện các công trình nghiên cứu là điều kiện để tốt nghiệp các chương trình sau đại học, lựa chọn mô hình thiết kế nghiên cứu có vai trò rất quan trọng, nó không chỉ tạo tính lôgich, chặt chẽ cho các hoạt động nghiên cứu mà nó còn giúp xác định tính khả thi của công trình nghiên cứu. Các loại hình thiết kế nghiên cứu luật học có thể chia thành thiết kế nghiên cứu định lượng và thiết kế nghiên cứu định tính. Trong thiết kế nghiên cứu định lượng, các mô hình chủ yếu là: thiết kế nghiên cứu khám phá, nghiên cứu mô tả, nghiên cứu giải thích. Các mô hình thiết kế nghiên cứu định lương thì đa dạng hơn và rất khác nhau, tùy thuộc vào cách tiếp cận, mục tiêu và câu hỏi nghiên cứu. Ví dụ, thiết kế nghiên cứu cho một công trình nghiên cứu so sánh pháp luật sẽ có sự khác biệt rất lớn với công trình nghiên cứu đánh giá pháp luật hoặc nghiên cứu giải pháp pháp lý với những nội dung, kết cấu và tính lôgich trong thiết kế hoàn toàn khác nhau.

Tóm lại, khi thiết kế nghiên cứu nói chung và thiết kế nghiên cứu trong nghiên cứu luật học nói riêng, những điều cần chú ý là phải trả lời những câu hỏi quan trọng sau đây: (1) thiết kế nghiên cứu phải bao gồm những nội dung nào?; (2) nội dung nào là quan trọng nhất? (3) nội dung nào quyết định những nội dung khác?; (4) tương tác giữa các nội dung, thành tố của quá trình thiết kế là gì?; (5) trật tự thực hiện các nội dung như thế nào?; (6) nội dung nào luôn được rà soát, đánh giá suốt quá trình thiết kế?; (7) có mâu thuẫn, xung đột giữa các nội dung của quá trình thiết kế không?; (8) thực hiện các điều chỉnh như thế nào?

Trình bày ở vị trí thứ hai là tham luận “Phương pháp nghiên cứu so sánh trong khoa học pháp lý” của ThS. Phạm Thị Phương Thảo. Bài viết Nghiên cứu so sánh trong khoa học pháp lý (nghiên cứu so sánh pháp luật) là một hình thức nghiên cứu rất phổ biến và lâu đời trong nghiên cứu khoa học pháp lý nói chung. Nghiên cứu so sánh pháp luật được hiểu là hoạt động nghiên cứu có tính hệ thống về những quy định pháp luật và truyền thống pháp lý cụ thể trên nền tảng so sánh hoặc nghiên cứu so sánh pháp luật được hiểu là hoạt động làm sáng tỏ thông tin liên quan giữa hai hay nhiều hệ thống pháp luật.

Phương pháp nghiên cứu so sánh trong khoa học pháp lý được hiểu là quy trình, kỹ thuật nghiên cứu dựa trên nền tảng so sánh để làm sáng tỏ thông tin giữa hai hay nhiều hệ thống pháp luật, về những quy định pháp luật và truyền thống pháp lý cụ thể... Hạt nhân của phương pháp này tạo ra sự khác biệt với các phương pháp nghiên cứu khoa học pháp lý còn lại là hoạt động so sánh, nghĩa là xem xét các yếu tố có tính chất so sánh của đối tượng nghiên cứu (như hai quy phạm pháp luật hay hai hệ thống pháp luật...) và xác định các điểm tương đồng và khác biệt giữa các yếu tố đó. Việc lựa chọn các yếu tố để so sánh,  đối tượng để so sánh phụ thuộc vào mục đích của việc so sánh và mục tiêu nghiên cứu của đề tài. Nói cách khác, phương pháp so sánh pháp luật sẽ chỉ ra sự tương đồng và khác biệt của các đối tượng so sánh và lý giải.

Sau bài tham luận trên, các đại biểu tham dự Hội thảo tiến hành thảo luận về 2 tham luận vừa trình bày. TS. Bùi Ngọc Sơn gợi mở về phương pháp nghiên cứu so sánh là tìm ra những điểm tương đồng và khác biệt giữa các mô hình nhà nước, giữa các hệ thống pháp luật. Ví dụ: hệ thống pháp luật Việt Nam khá giống Trung Quốc. Do đó, tìm ra những sự giống nhau thì không có nhiều ý nghĩa. Người nghiên cứu cần tập trung làm rõ những sự khác biệt. Như vậy, phương pháp so sánh mới được thể hiện một cách rõ nét.

Tiếp theo, PGS.TS Phan Nhật Thanh đề nghị PGS.TS Đỗ Minh Khôi giải thích thật kỹ về các phương pháp nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực pháp lý. Đồng thời, PGS.TS Phan Nhật Thanh đặt câu hỏi là phương pháp nào thường sự dụng nhất.

Tiếp đến, PGS.TS Đỗ Văn Đại cho rằng phương pháp không thật sự quan trọng vì phương pháp chỉ là công cụ, vấn đề quan trọng là nội dung cần chuyển tải. Theo PGS.TS Đỗ Văn Đại thì một bài viết muốn được đón nhận thì phải gắn với thực tế và giải quyết các vấn đề thực tế.

PGS.TS Đỗ Minh Khôi không đồng ý và cho rằng có nhiều loại nghiên cứu khác nhau như nghiên cứu lý thuyết, nghiên cứu ứng dụng. Nội dung PGS.TS Đỗ Văn Đại đề cập chỉ đúng đối với nghiên cứu ứng dụng. Đối với nghiên cứu lý thuyết thì không chính xác. PGS.TS Đỗ Minh Khôi còn cho rằng nghiên cứu lý thuyết mới là chìa kháo thành công của các trường đại học, cơ sở đào tạo.

TS. Trần Hoàng Nga đồng tình với PGS.TS Đỗ Minh Khôi và cho bei6t1 kinh nghiện bản thân khi làm Nghiên cứu sinh đã rất vất vả trong việc xác định các phương pháp nghiên cứu. Hiện này, nhiều luận văn cao học cũng xác định chưa chính xác về phương pháp nghiên cứu nên thường rơi vào bế tắc.

PGS. TS. Nguyễn Thị Phương Hoa đồng tình với TS. Trần Hoàng Nga và cũng cho rằng phương pháp nghiên cứu đóng vai trò rất quan trọng.

Sau khi thảo luận, các đại biểu tham dự Hội thảo giải lao trong thời gian 15 phút.

Sau khi giải lao, Hội thảo tiếp tục diễn ra phiên thứ hai dưới sự chủ trì của chủ tọa gồm: PGS.TS Bùi Xuân Hải, PGS.TS Phạm Duy Nghĩa, PGS TS. Bùi Ngọc Sơn.

Trình bày đầu tiên trong phiên 2 là bài tham luận “Công bố quốc tế về Luật Việt Nam” của PGS TS. Bùi Ngọc Sơn. Trong bài viết, tác giả cho rằng chức năng chủ yếu của công bố bài báo quốc tế trên tạp chí luật là quốc tế hoá trên 3 phương diện: nghiên cứu, đào tạo, và liên kết.

Thứ nhất, công bố quốc tế giúp quốc tế hoá việc nghiên cứu luật ở Việt Nam. Việc quốc tế hoá nghiên cứu luật thông qua công bố quốc tế diễn ra theo hai hướng:luật Việt Nam được giới thiệu với cộng cồng học giả quốc tế và dần dần trở thành một bộ phận của tri thức quốc tế về luật pháp; học giả Việt Nam tiếp cận và gắn kết với cộng đồng học giả quốc tế và tri thức quốc tế về luật pháp. Trên thực tế, các công bố quốc tế trên tạp chí luật từ các học giả Việt Nam đã dần dần thực hiện chức năng quốc tế hoá nghiên cứu này.

Thứ hai, công bố quốc tế quốc tế hoá việc đào tạo luật ở Việt Nam. Đạo tạo luật ở Việt Nam đang phát triển mạnh mẽ, và quốc tế hoá đào tạo luật là một khía cạnh của quá trình năng động này. Công bố quốc tế thúc đẩy quá trình quốc tế hoá trong đào tạo luật: người dậy sử dụng công trình công bố quốc tế như một tư liệu dạy học, và người học do đó tiếp cận với những tri thức quốc tế về luật pháp.

Thứ ba, công bố quốc tế quốc tế hoá việc liên kết với các diễn đàn học thuật trong khu vực và thế giới. Trong khu vực Châu Á, có nhiều diễn đàn, hiệp hội nghiên cứu các lĩnh vực luật khác nhau đang hoạt động đều đặn, như: Asian Law Institute Conference, Asian Constitutional Law Forum, Asian Association of Law and Society, Asian Association of Law and Economics, Asian Society of International Law, và East Asian Conference on Philosophy of Law. Kinh nghiệm công bố quốc tế là yếu tố quan trọng để được mời tham gia các diễn đàn này.

Luật Việt Nam là nguồn dữ liệu quan trọng chính để khai thác trong việc công bố quốc tế. Điều này do hai lý do: luật Việt Nam rất phong phú; luật Việt Nam ít được khai khác trong các xuất bản quốc tế về luật.

Xem xét trước tiên tính chất phong phú của luật Việt Nam như một nguồn dữ liệu để xuất bản quốc tế. Luật Việt Nam có một lịch sử hàng nghìn năm hình thành và phát triển. Ngoài luật bản địa, luật Việt Nam được tạo dựng bởi các yếu tố của các truyền thống và xu hướng luật chính trên thế giới. Xét chung lại, dữ liệu phong phú của luật Việt Nam có thể chia thành các nhóm:

- Luật bản địa (indigenous law) (như luật tục, hương ước)

- Luật Khổng giáo (Confucan law) (như biểu hiện trong các bộ luật, đạo luật được ban hành bởi các triều đại khác nhau, như triều đại nhà Lê, triều đại nhà Nguyễn)

- Luật dân sự (civil law) (luật thời Pháp thuộc)

- Luật xã hội chủ nghĩa (Socialist law)

  - Luật toàn cầu (global law): phát triển sau Đổi mới bởi việc khuyếch tán các quy tắc pháp lý toàn cầu từ hai nguồn chính là luật so sánh (luật của các nước khác nhau) và luật quốc tế.

Trình bày tiếp theo là tham luận “Bàn về một số vấn đề thực tiễn để chuẩn bị đăng bài tại một tạp chí quốc tế” của PGS.TS Trần Việt Dũng. Trong bài viết, tác giả cho rằng trên thế giới nói chung, trong ngày ngành luật học nói riêng, việc đăng các bài viết trên những ấn phẩm khoa học là một thước đo quan trọng trong sự nghiệp nghiên cứ khoa học học của các học giả và các luật gia. Bài viết được đăng trên Tạp chí quốc tế có phản biện bởi hội đồng chuyên gia (peer-reviewed journal) được liệt kê trong danh sách của SCOPUS hoặc ISI(Thompson Reuters) là thước đo cho trình độ và chất xám của học giả. Tuy nhiên trên thực tế việc có một bài viết được chấp nhận đăng tại một táp chí quốc tế có phản biện không đơn giản, đặc biệt là đối với những học giả mà tiếng Anh không phải ngôn ngữ chính.Nhưng đó thực tế chỉ là một trong vô vàn những vấn đề mà tác giả sẽ phải đối mặt khi có ý định gửi bài viết khoa học của mình đăng tại tạp chí quốc tế. Viết cho một tạp chí quốc tế có uy tín đòi hỏi tác giả phải học và thực hiện một số “công đoạn” khá đặc thù.

Kế đến là phần trình bày của TS. Cao Vũ Minh với tham luận “Công bố bài báo quốc tế trong lĩnh vực pháp lý - động lực, kinh nghiệm và thách thức” và cho rằng việc công bố quốc tế trong lĩnh vực pháp lý có thể thực hiện thông qua các hình thức như: i. công bố bài viết trên các Tạp chí chuyên ngành luật (law journal/ review); ii. công bố bài viết trên các tạp chí đa ngành, liên ngành, ngành gần; iii. công bố bài viết trong các sách chuyên khảo (monograph) của các nhà xuất bản uy tín thế giới như nhà xuất bản Đại học Oxford (Oxford University Press, viết tắt OUP), nhà xuất bản Đại học Cambridge (Cambridge University Press, viết tắt CUP), nhà xuất bản Đại học California (University California Press, viết UC Press)…; iv. công bố bài viết trong các Chương sách (book chapter) trong sách biên soạn (edited book) của nhà xuất bản Springer…; v. bài viết trên kỷ yếu hội thảo có phản biện (Diễn đàn Hiến pháp châu Á[1])…

  Liên quan đến các Tạp chí chuyên ngành luật thì có các tạp chí uy tín trong hệ thống danh mục ISI, danh mục Scopus. Ngoài ra còn có các tạp chí chuyên ngành luật nhưng không nằm trong danh mục ISI hay Scopus (ví dụ: ở Úc có khoảng 623 tạp chí chuyên ngành luật (law journals), ở Hoa Kỳ có 1537 tạp chí chuyên ngành luật (law journals).

  Để đăng tải các bài viết trên tạp chí chuyên ngành luật, cần chú trọng những cách thức sau: i. bài báo trình bày những vấn đề mới (original article). Bài viết loại này thường có độ dài từ 8000 đến 12000 từ hoặc không giới hạn độ dài. Trường hợp bài ngắn thì vào khoảng 5000 từ; ii. bình luận bài báo khác hoặc ý kiến phản hồi (reply/ comments). Bài viết loại này thường có độ dài từ 1000 đến 2000 từ; iii. bình luận sách (book review). Bài viết loại này thường có độ dài từ 1000 đến 2000 từ; iv. bình luận án (case law). Bài viết loại này thường có độ dài từ 1000 đến 2000 từ.

  Do nhiều yếu tố chi phối nên việc lựa chọn tạp chí cũng phải kỹ lưỡng và phù hợp với xu hướng của bài viết. Trên thực tế có những tạp chí luật chọn bài theo tiêu chí chuyên ngành (Administrative Law Review, Criminal Law Review…), có những tạp chí thì chấp nhận tất cả các bài thuộc về khoa học pháp lý mà không giới hạn các chuyên ngành (Harvard Law Review…).

Tuy nhiên, công bố bài báo quốc tế vẫn là con đường phải đi và những khó khăn cần phải vượt qua đó là:

Thứ nhất, rào cản về ngôn ngữ, thiếu thông tin khoa học, sự khác nhau về phương pháp luận nghiên cứu khoa học và đặc biệt là rào cản về nhận thức khiến cho việc công bố bài báo quốc tế đầy chông gai và khó khăn.

  Thứ hai, động lực nghiên cứu càng lên cao lại càng giảm. Điển hình, đối với điều kiện để công nhận học vị Tiến sĩ và điều kiện để hướng dẫn nghiên cứu sinh thì công bố bài báo quốc tế là tiêu chí “cứng”. Đối với tiêu chí công nhận chức danh Giáo sư, Phó giáo sư thì một bài báo quốc tế có thể quy đổi ngang với “một chương sách phục vụ đào tạo do một nhà xuất bản có uy tín trên thế giới xuất bản hoặc một sách chuyên khảo do một nhà xuất bản có uy tín xuất bản”. Trong khi đó, điều kiện để được chọn làm thành viên Hội đồng Giáo sư nhà nước, Hội đồng Giáo sư ngành, liên ngành và Hội đồng Giáo sư cơ sở; điều kiện để được xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức giảng dạy trong các cơ sở giáo dục đại học công lập từ giảng viên chính (hạng II) lên giảng viên cao cấp (hạng I) thì lại không bắt buộc phải có bài báo quốc tế. Quy định trên dẫn đến nghịch lý là càng có học hàm, học vị, chức danh nghề nghiệp cao thì càng không có động lực để công bố bài báo quốc tế. Bên cạnh đó, quy định này không tạo ra sự thúc đẩy những giảng viên trẻ công bố bài báo quốc tế bởi những “đầu tàu” về nghiên cứu khoa học đã không có nhiều động lực trong công bố bài báo quốc tế.

  Thứ ba, cơ chế hỗ trợ trực tiếp các tác giả có bài viết công bố quốc tế chưa tương xứng với kết quả đạt được. Hiện nay, theo khảo sát, mức hỗ trợ trung bình cho một công bố bài báo quốc tế là 40 - 60 triệu đồng (một số nơi khác cao hơn như Đại học Kinh tế hỗ trợ 100 - 150 tiệu đồng, Đại học Kinh tế - Luật hỗ trợ 120 - 150 tiệu đồng). Nếu chia trung bình cho 12 tháng làm việc miệt mài thì số tiền hỗ trợ mỗi tháng chỉ khoảng 3,5 - 5 triệu. Đây là số tiền quá thấp và không kích thích cho quá trình phấn đấu, miệt mài nghiên cứu để có bài báo quốc tế.

Sau khi các diễn giả trình bày các tham luận trong phiên thứ 2, các đại biểu tham dự Hội thảo tiếp tục phát biểu ý kiến thảo luận về các vấn đề được nêu ra trong Hội thảo.

TS. Lê Thị Ánh Nguyệt đề nghị PGS TS. Bùi Ngọc Sơn giải thích cụ thể vấn đề trích dẫn để tránh trường hợp bị kết luận là không trung thực, “đạo văn”.

Kế đến, PGS.TS Phạm Duy Nghĩa chia sẻ kinh nghiệm công bố quốc tế và cho rằng hệ thống pháp luật Việt Nam là một cơ sở dữ liệu khổng lồ để viết và công bố các bài viết quốc tế. Vấn đề là phải đi đúng hướng và có phương pháp cụ thể. PGS.TS Phạm Duy Nghĩa cũng nêu ra tấm gướng của Trường Đại học Tôn Đức Thắng về cơ chế đãi ngộ, thu hút nhân tài, chính sách tài trợ để từ đó Đại học Tôn Đức Thắng trở thành một cơ sở đào tạo có nhiều công bố quốc tế.

Sau phần thảo luận sôi nổi của các đại biểu tại Phiên thứ 2, PGS.TS. Bùi Xuân Hải phát biểu tổng kết lại Hội thảo.

Hội thảo kết thúc vào lúc 12:00 cùng ngày.

                                                                         Ban Thư ký hội thảo

 Tải tài liệu hội thảo tại đây: Tài liệu + Nội dung kỷ yếu



[1] Diễn đàn lần đầu tiên được tổ chức tại Đại học Quốc gia Seoul vào năm 2005; lần thứ hai tại Trung tâm Trao đổi pháp lý châu Á, Đại học Nagoya vào năm 2007; lần thứ ba tại Trường Luật, Đại học Quốc gia Đài Loan vào năm 2009; lần thứ tư tại Trung tâm Luật So sánh và Luật công, Khoa Luật, Đại học Hong Kong vào năm 2011; Lần thứ năm tại Trung tâm Luật công, Trường Luật, Đại học Thanh Hoa vào năm 2013; Lần thứ sáu tại Trung tâm Nghiên cứu pháp luật châu Á, Khoa Luật, Đại học Quốc gia Singapore vào năm 2015; Lần thứ bảy tại Khoa Luật, Đại học Thammasat vào năm 2017; Lần thứ tám tại Khoa Luật thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội sẽ tổ chức Hội thảo Diễn đàn Luật Hiến pháp châu Á lần thứ 8 với chủ đề “Luật Hiến pháp châu Á: Những phát triển gần đây và xu hướng tương lai” (Asian Constitutional Law: Recent Developments and Trends).

                                                 


--%>
Top