Tổng thuật Hội thảo “Góp ý Dự thảo Luật Chứng khoán”

1. Bối cảnh và mục tiêu

Luật Chứng khoán hiện hành được Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XI thông qua ngày 29/6/2006, có hiệu lực thi hành từ 01/01/2007 đã được sửa đổi, bổ sung năm 2010[1] - (Luật Chứng khoán). Sau hơn 13 năm thi hành, Luật Chứng khoán đã có những tác động tích cực đối với sự phát triển của thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước như: i) tạo lập được khuôn khổ pháp lý có hiệu lực cao, tương đối đầy đủ, đồng bộ, thống nhất, điều chỉnh cơ bản toàn diện về chứng khoán và TTCK; ii) từng bước phù hợp với luật pháp, thông lệ quốc tế, tạo nền móng cho TTCK Việt Nam có khả năng hội nhập với các thị trường vốn quốc tế và khu vực; iii) tạo cơ sở pháp lý từng bước đa dạng sản phẩm chứng khoán được chào bán, tạo thuận lợi để tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư và hoạt động trên TTCK, giúp TTCK trở thành kênh huy động vốn trung và dài hạn quan trọng cho đầu tư phát triển kinh tế - xã hội; iv) bảo đảm cho TTCK hoạt động công bằng, công khai, minh bạch, an toàn, chất lượng, hiệu quả, chuyên nghiệp, giảm thiểu rủi ro hệ thống, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư.

Tuy nhiên, sau hơn 13 năm triển khai thi hành, bên cạnh những kết quả tích cực nêu trên, Luật Chứng khoán đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập, cụ thể như sau:  i) một số quy định thiếu minh bạch, rõ ràng, thiếu tính hệ thống, không còn phù hợp trước sự phát triển không ngừng của TTCK và yêu cầu của nhà đầu tư; ii) một số quy định không còn phù hợp, thống nhất, đồng bộ với một số quy định mới được sửa đổi, bổ sung tại các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan; iii) những quy định hiện hành chưa điều chỉnh hiệu quả một số vấn đề mới phát sinh khi TTCK phát triển (sự đa dang của các công cụ tài chính, sự thay đổi trong các hình thức giao dịch ...) đã tạo ra lỗ hổng về pháp lý, làm ảnh hưởng tới quyền, lợi ích hợp pháp của các chủ thể tham gia TTCK và khó khăn cho việc quản lý, giám sát của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Trong bối cảnh đó, Khoa Luật thương mại, Trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề “Góp ý dự thảo Luật chứng khoánnhằm khuyến khích các nghiên cứu chuyên sâu về các nội dung trong dự thảo Luật chứng khoán, từ đó các nghiên cứu sẽ đề xuất các kiến nghị nhằm góp phần hoàn thiện dự thảo luật trong thời gian tới.

2. Những nội dung được bàn luận tại Hội thảo liên quan đến Dự thảo Luật Chứng khoán

2.1. Về khái niệm chứng khoán

Các diễn giả tham gia Hội thảo đã bàn luận về định nghĩa “chứng khoán” trong Dự thảo Luật Chứng khoán và đều cho rằng đây là một khái niệm cơ bản, nền tảng và rất quan trọng trong luật. Tuy nhiên, việc đưa ra khái niệm “chứng khoán” trong Luật Chứng khoán hiện hành và các lần dự thảo hiện nay tỏ ra không hợp lý và không tương thích với các quy định của pháp luật chuyên ngành khác. Chẳng hạn, sau nhiều lần sửa đổi thì, Dự thảo 7.2019 định nghĩa về chứng khoán như sau:

2. Chứng khoán là giấy tờ có giá, bao gồm các loại sau đây:

  1. Cổ phiếu, trái phiếu, chứng chỉ quỹ;
  2. Chứng quyền, chứng quyền có bảo đảm, quyền mua cổ phần, chứng chỉ lưu ký;
  3. Chứng khoán phái sinh;
  4. Các loại chứng khoán khác do Chính phủ quy định.

Khi so sánh với quy định khác, chẳng hạn: Khoản 1 Điều 105 của Bộ Luật Dân sự năm 2015 quy định: “Tài sản là vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản. Theo quy định tại điểm 8 Điều 6 của Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam năm 2010 thì giấy tờ có giá là “bằng chứng xác nhận nghĩa vụ trả nợ giữa tổ chức phát hành giấy tờ có giá với người sở hữu giấy tờ có giá trong một thời hạn nhất định, điều kiện trả lãi và các điều kiện khác”. Như vậy, đối chiếu giữa định nghĩa về chứng khoán của dự thảo Luật Chứng khoán là “giấy tờ có giá” đã không phù hợp với định nghĩa về “giấy tờ có giá” trong Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, ví dụ cổ phiếu không xác định nghĩa vụ trả nợ của công ty cổ phần đối với cổ đông. Trên cơ sở các phân tích trên, Hội thảo cho rằng khái niệm cơ bản như “chứng khoán” trong Luật Chứng khoán cần được thảo luận, cân nhắc kỹ lưỡng về câu chữ để bảo đảm phạm vi điều chỉnh của Luật được như mong muốn.

2.2. Về quy định hoạt động của công ty chứng khoán

Thứ nhất, quy định về hoạt động của công ty chứng khoán hiện nay được Điều 87 Dự thảo liệt kê cụ thể các hoạt động mà công ty chứng khoán được thực hiện. Đồng thời, Khoản 5 Điều này ghi nhận:công ty chứng khoán chỉ được cung cấp dịch vụ tài chính khác phù hợp với quy định của pháp luật có liên quan sau khi báo cáo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước bằng văn bản.” Các tác giả tại Hội thảo cho rằng, quy định này có phần làm hạn chế sự linh hoạt, sáng tạo của các công ty chứng khoán trong việc cung cấp sản phẩm, dịch vụ cho nhà đầu tư vì việc liệt kê cụ thể sẽ không thể bao quát hết, cũng như không lường trước được các thay đổi về sản phẩm, dịch vụ mà thị trường và nhà đầu tư có nhu cầu trong khoảng thời gian 5 – 10 năm tới.

Thứ hai, đối với hoạt động của công ty chứng khoán, Dự thảo đã bỏ quy định Giấy phép của UBCKNN đồng thời là Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của luật hiện hành, thay bằng cơ chế hai giấy, UBCKNN cấp giấy phép hoạt động và sau đó công ty chứng khoán tiến hành đăng ký kinh doanh tại cơ quan Đăng ký kinh doanh như các doanh nghiệp khác. Khoản 3 Điều 134 quy định về Điều khoản chuyển tiếp khi luật mới có hiệu lực dự kiến từ 01/01/2020 “Trong thời hạn một (01) năm kể từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành, công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán, chi nhánh công ty chứng khoán và công ty quản lý quỹ nước ngoài tại Việt Nam đã được cấp Giấy phép trước khi Luật này có hiệu lực thi hành phải đăng ký doanh nghiệp theo quy định tại Điều 72 của Luật này.” Tuy nhiên, các tác giả cho rằng không nên yêu cầu các công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ, chi nhánh công ty chứng khoán và công ty quản lý quỹ nước ngoài thực hiện lại thủ tục đăng ký doanh nghiệp mà quy định cơ quan đăng ký kinh doanh chủ động cấp giấy theo thông tin do UBCK cung cấp, tránh việc các bên phải làm nhiều thủ tục và lưu trữ nhiều văn bản và thực tế Khoản 2 Điều 59 Luật Chứng khoán hiện hành đã quy định “Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước cấp Giấy phép thành lập và hoạt động cho công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ. Giấy phép này đồng thời là Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.

Đề xuất:

(i) Với quy định như Dự thảo, các tác giả đề xuất có cơ chế để UBCKNN có thể linh hoạt chấp thuận các sản phẩm mới cho thị trường khi nhà đầu tư có nhu cầu và công ty chứng khoán có báo cáo UBCKNN. Thực tế triển khai sản phẩm mới trên thị trường hiện nay khá chậm.

(ii) Đề nghị sửa lại Khoản 2 Điều 59 như sau: “Trong thời hạn một (01) năm kể từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành, cơ quan Đăng ký kinh doanh cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp cho công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán, chi nhánh công ty chứng khoán và công ty quản lý quỹ nước ngoài tại Việt Nam đã được cấp Giấy phép trước khi Luật này có hiệu lực thi hành theo giấy phép đã được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cấp, các thay đổi sau ngày Luật này có hiệu lực thì phải đăng ký doanh nghiệp theo quy định tại Điều 72 của Luật này.

2.3. Quy định về tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài trên thị trường chứng khoán

Quy định về tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài trên thị trường chứng khoán là nội dung được nhiều nhà nghiên cứu, các diễn giả quan tâm bình luận trực tiếp tại Hội thảo. Các diễn giả đều cho rằng Luật Chứng Khoán cần loại bỏ các quy định làm chậm quá trình mở cửa thị trường cho nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt là quy định các tổ chức kinh tế có nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ từ 51% vốn điều lệ trở lên (ngoại trừ quỹ mở) phải đáp ứng điều kiện và thực hiện thủ tục đầu tư theo quy định đối với nhà đầu tư nước ngoài khi đầu tư, góp vốn, mua chứng khoán, phần vốn góp của tổ chức kinh tế.

Về mặt thực tế, quy định này không phù hợp với các công ty niêm yết vì tỷ lệ nắm giữ vốn điều lệ của nhà đầu tư nước ngoài có thể tăng giảm rất nhanh và liên tục thay đổi xoay quanh ngưỡng 51%. Nếu quy định này tiếp tục được duy trì trong Luật Chứng khoán thì những vướng mắc hiện tại về "room" nước ngoài sẽ không được giải quyết, hậu quả là các công ty đại chúng sẽ tiếp tục không dám mở "room".

Về mặt áp dụng pháp luật, Luật Chứng Khoán là luật chuyên ngành, có thể đưa ra các quy định khác với Luật Đầu Tư. Như vậy, sẽ đơn giản hóa thủ tục, giúp các công ty niêm yết trên thị trường phát triển, tạo bước ngoặt quyết định trong việc thu hút nhà đầu tư nước ngoài vào thị trường chứng khoán Việt Nam, cũng như phục vụ mục tiêu nâng hạng thị trường chứng khoán đã được Chính Phủ đặt ra. Việc phải đáp ứng các điều kiện và thực hiện thủ tục đầu tư giống như các nhà đầu tư nước ngoài sẽ gây ra nhiều hệ lụy, khó khăn cho doanh nghiệp khi thực hiện hoạt động kinh doanh đang có của mình.

Các diễn giả cũng đưa ra một số hạn chế khi quy định các tổ chức kinh tế có nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ từ 51% vốn điều lệ trở lên (ngoại trừ quỹ mở) phải đáp ứng điều kiện và thực hiện thủ tục đầu tư theo quy định đối với nhà đầu tư nước ngoài khi đầu tư, góp vốn, mua chứng khoán, phần vốn góp của tổ chức kinh tế như: Khi đầu tư trên thị trường chứng khoán: (i) Doanh nghiệp phải xin mã số giao dịch chứng khoán, nhà đầu tư nước ngoài; (ii) khoản đầu tư của doanh nghiệp vào một doanh nghiệp khác bị tính vào "room" nước ngoài của công ty mục tiêu và đến lượt công ty mục tiêu lại bị biến thành tổ chức có nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ từ 51% vốn điều lệ trở lên và đối mặt với các vướng mắc tương tự. Các doanh nghiệp niêm yết có tỉ trọng đầu tư lớn và tổ chức theo mô hình mẹ - con, công ty liên kết sẽ phải đối mặt với các vướng mắc này trước hết. “... DN sẽ bị giới hạn về room nước ngoài khi đầu tư, góp vốn, mua cổ phần vào DN khác như nhà đầu tư nước ngoài. Quy định này buộc các DN phải cân nhắc bài toán được - mất.” Ngay cả khi muốn tuân thủ quy định này thì doanh nghiệp cũng khó thực hiện vì cổ phiếu được niêm yết và giao dịch hàng ngày, tỉ lệ nắm giữ của nhà đầu tư nước ngoài thay đổi nằm ngoài sự nhận biết hoặc kiểm soát của doanh nghiệp.

Khi hoạt động trong các ngành, nghề kinh doanh có điều kiện áp dụng đối với nhà đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp phải đáp ứng thêm các điều kiện này, thường là khắt khe hơn so với các nhà đầu tư trong nước. Thậm chí, một số ngành nghề kinh doanh chủ yếu của doanh nghiệp là ngành nghề hạn chế nhà đầu tư nước ngoài, buộc doanh nghiệp phải lựa chọn hoặc là mở "room", hoặc là bỏ ngành nghề kinh doanh như bán lẻ hàng hóa.

2.4. Về quy định xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán

2.4.1. Quy định về mức phạt xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán

Hiện nay, tính chất, mức độ vi phạm trong lĩnh vực chứng khoán nói riêng và lĩnh vực tài chính nói chung ngày càng phức tạp và tinh vi, có ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động của TTCK, đe dọa nghiêm trọng đến lợi ích của nhà đầu tư. Vì vậy, đòi hỏi cần phải có chế tài và mức xử phạt tương xứng với tính chất mức độ vi phạm, bảo đảm được tính răn đe của pháp luật và phù hợp với quy mô thị trường. So với các lần Dự thảo trước thì Dự thảo hiện nay đã có sự điều chỉnh về mức xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán theo hướng tăng lên. Tuy nhiên, vấn đề về mức phạt vi phạm trong lĩnh vực chứng khoán nhận được sự tranh luận sôi nổi từ phía các diễn giả, cụ thể:

ThS Trần Linh Huân, Giảng viên trường ĐH Luật TP. Hồ Chí Minh cho rằng mức xử phạt như đã đưa ra trong Dự thảo hiện nay vẫn còn thấp và chưa đủ sức ngăn ngừa, răn đe hành vi vi phạm từ các đối tượng trong xã hội. Trên thực tế, khi mức xử phạt còn thấp thì thường dẫn đến hệ quả là các chủ thể trong xã hội sẵn sàng thực hiện các hành vi vi phạm bởi khoảng lợi bất chính thu lại được từ những hành vi vi phạm trong lĩnh vực chứng khoán là rất cao. Chính điều này đã không điều chỉnh được ý thức, hành vi của các chủ thể và họ sẵn sàng vi phạm một cách bất chấp. Do đó, việc nâng mức phạt tiền tối đa đối với hành vi vi phạm, tăng cường các hình thức xử phạt bổ sung, tăng thẩm quyền cho cơ quan quản lý trong lĩnh vực chứng khoán nhằm nâng cao tính tuân thủ, cưỡng chế, thực thi là điều rất cần thiết.

Tuy nhiên, Ông Nguyễn Kim Long – Giám đốc Luật và Kiểm soát nội bộ, Công ty cổ phần Chứng khoán SSI lại có quan điểm: Thông qua dự thảo thì đại bộ phận công chúng đều đồng ý tăng mức xử phạt. Tuy nhiên, theo quan điểm cá nhân của ông thì mức xử phạt hiện nay đã khá cao so với mặt bằng xử lý vi phạm hành chính chung. Cá nhân tác giả cho rằng thời điểm xử phạt, tốc độ xử phạt có vai trò quan trọng trong vấn đề xử phạt vi phạm hành chính, thậm chí quan trọng hơn mức phạt. Bởi lẽ, thực tế hiện nay thời gian xử phạt tương đối dài và nếu như vậy, để sau một thời gian dài sẽ làm cho các chủ thể khác họ tiến hành các hành vi vi phạm trục lợi theo.

2.4.2. Quy định về thời điểm xử lý vi phạm và các hình phạt bổ sung

- Về thời điểm xử lý vi phạm: Tại Hội thảo, PGS.TS Nguyễn Văn Vân cho rằng tốc độ xử phạt các vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán cần được xem trọng trong giai đoạn hiện nay, thậm chí, điều này còn quan trọng hơn việc tăng mức phạt. Đồng thời, trong cơ chế xử lý các vi phạm cần có quy định thu hồi lại các lợi ích có được từ hành vi vi phạm đó. Đồng thời, các tác giả cũng cho rằng, những vi phạm trên thị trường chứng khoán sẽ gây thiệt hại cho nhà đầu tư, cổ đông thiểu số nhưng khi xử phạt vi phạm trong lĩnh vực chứng khoán thì nhà nước lại được lợi. Do đó, trong trường hợp này việc thiết lập các Quỹ hỗ trợ nhà đầu tư là cần thiết nhằm bảo vệ quyền lợi nhà đầu tư.

- Về hình thức xử phạt bổ sung: TS Phan Phương Nam, Phó Trưởng khoa Luật Thương mại cho rằng: Chế tài đặt ra về xử lý vi phạm lại chưa đầy đủ, chẳng hạn: Chưa có quy định về thu hồi các lợi ích có được từ các giao dịch vi phạm, thậm chí có một số vi phạm không có chế tài xử lý. Bên cạnh đó, về vấn đề này Hội thảo đã bàn luận và thống nhất cần quy định tăng cường các hình thức xử phạt bổ sung mà thị trường quốc tế, trong đó, có các thị trường lân cận Việt Nam đã áp dụng hiệu quả, có tác dụng tốt trong xử lý và phòng ngừa vi phạm chẳng hạn như: Treo giao dịch cổ phiếu của các doanh nghiệp công bố thông tin gian dối, ban lãnh đạo công ty giao dịch nội gián; nhà đầu tư thao túng cổ phiếu bị cấm giao dịch trong một thời gian nhất định; rút giấy phép hành nghề của các chức danh nghề nghiệp trên TTCK khi bị kết luận là có hành vi thao túng giá chứng khoán, giao dịch nội gián, công bố thông tin sai sự thật, tịch thu các khoản thu lợi bất chính,..

2.4.3. Quy định về thẩm quyền xử phạt của Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước

Bên cạnh đó, có tác giả cũng cần phải tăng cường thẩm quyền của UBCKNN trong vấn đề xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán bởi hiện nay UBCKNN chưa có đủ thẩm quyền và cơ sở pháp lý để tổ chức và thực thi tốt các chức năng thanh tra và cưỡng chế thực thi như: Chưa có thẩm quyền trong kiểm soát tài khoản, dòng tiền; yêu cầu tổ chức, cá nhân cung cấp thông tin liên quan đến nội dung thanh tra nên kết quả thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm còn gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, cần thiết phải trao thêm thẩm quyền cho UBCKNN như: Được quyền yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân có thông tin liên quan đến nội dung thanh tra, kiểm tra cung cấp thông tin, tài liệu, đó hoặc yêu cầu tổ chức, cá nhân giải trình, đối chất liên quan đến nội dung thanh tra, kiểm tra; yêu cầu tổ chức tín dụng cung cấp thông tin liên quan đến giao dịch trên tài khoản của khách hàng đối với các trường hợp có dấu hiệu nghi vấn sau khi được Chủ tịch UBCKNN phê duyệt; yêu cầu doanh nghiệp viễn thông cung cấp tên, địa chỉ, số máy gọi, số máy được gọi, thời gian gọi để xác minh, xử lý các hành vi bị cấm theo quy định… Khi các vấn đề trên được ghi nhận, cụ thể hóa thành các quy định pháp luật cụ thể trong LCK và được tổ chức triển khai thực hiện một cách nghiêm túc thì không chỉ tạo ra chế tài đủ mạnh, nâng cao tính răn đe, phòng ngừa vi phạm trong lĩnh vực chứng khoán mà còn tạo ra những chuyển biến rõ nét về nâng cao tính hiệu quả đối với vấn đề ngăn ngừa, xử lý các hành vi vi phạm trên TTCK. Qua đó góp phần quan trọng thúc đẩy thị trường phát triển theo hướng công khai, minh bạch, công bằng, sớm trở thành kênh huy động vốn trung và dài hạn hiệu quả cho nền kinh tế.

2.5. Quy định pháp luật về công bố thông tin

Công khai, minh bạch thông tin là một trong những nhân tố quan trọng nhất giúp thị trường chứng khoán phát triển và bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư. Các tác giả tham dự Hội thảo đã phân tích và so sánh các quy định pháp luật trong Luật Chứng khoán hiện hành và Dự thảo Luật Chứng khoán[2] về công bố thông tin của công ty đại chúng về nội dung chính sau: (i) Sự cần thiết phải công bố thông tin; (ii) Chủ thể có nghĩa vụ công bố thông tin; (iii) Các loại thông tin phải công bố; (iv) Xử lý vi phạm trong hoạt động công bố thông tin.

2.6. Về thủ tục gia nhập thị trường của Chi nhánh công ty nước ngoài

Tại Hội thảo, các tác giả đã bàn luận về thủ tục gia nhập thị trường của các Chi nhánh công ty chứng khoán nước ngoài. Theo như quy định hiện nay tại Điều 72 Dự thảo Luật Chứng khoán hiện nay thì “Hoạt động của Chi nhánh công ty chứng khoán nước ngoài phải đăng kí thành lập doanh nghiệp tại Việt Nam”. Vấn đề này nhận được sự quan tâm và bình luận của một số tác giả, cụ thể:

Có nhóm tác giả cho rằng: Điều này cần phải được làm rõ vì theo ý kiến của một số diễn giả thì điều này xung đột với quy định của pháp luật doanh nghiệp về chi nhánh. Bởi lẽ, theo quy định tại Khoản 1 Điều 45 Luật Doanh nghiệp thì chi nhánh là đơn vị phụ thuộc của doanh nghiệp, có nhiệm vụ thực hiện toàn bộ hoặc một phần chức năng của doanh nghiệp kể cả chức năng đại diện theo ủy quyền. Ngành, nghề kinh doanh của chi nhánh phải đúng với ngành, nghề kinh doanh của doanh nghiệp. Do đó, việc Dự thảo Luật Chứng khoán yêu cầu chi nhánh phải thành lập doanh nghiệp cần phải được Ban soạn thảo làm rõ.

Bên cạnh đó, một số tác giả cho rằng điều này là hoàn toàn hợp lý đối với Chi nhánh của doanh nghiệp nước ngoài. Bởi lẽ, hoạt động kinh doanh chứng khoán là hoạt động tiềm ẩn nhiều rủi ro, việc yêu cầu Chi nhánh của công ty nước ngoài phải đăng kí doanh nghiệp dưới hình thức công ty TNHH nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho cơ quan nhà nước trong vấn đề quản lý và xác định trách nhiệm của chủ thể này.

2.7. Các khái niệm và từ ngữ được sử dụng trong Dự thảo

Bên cạnh các nội dung trọng tâm của Dự thảo, các diễn giả tham gia hội thảo còn có một số góp ý đối với các khái niệm, thuật ngữ được quy định trong Dự thảo Luật Chứng khoán, cụ thể:

- Về khái niệm cổ đông lớn: sở hữu trực tiếp/gián tiếp là không phù hợp; Về tỷ lệ sở hữu cũng chưa phù hợp.

- Về khái niệm “nhà đầu tư chiến lược”: Luật chứng khoán dù có đề cập nhưng chưa có định nghĩa về đối tượng này.

- Về đối tượng công ty liên doanh: Đây không phải là hình thức pháp lý

- Điều 4: Tỷ lệ sở hữu nước ngoài: Định nghĩa này chưa phù hợp với quy định của Luật Đầu tư.

- Về mệnh giá cổ phiếu tại Điều 10: Chỉ quy định lần mới phát hành là không phù hợp, đề xuất bỏ quy định đối với lần mới phát hành.

- Chào bán riêng lẻ của công ty đại chúng tại Điều 28: “Hạn chế” cụ thể là như thế nào? Là cấm hay quy định khác?

- Điều 35, góp ý về cách sử dụng cụm từ công nhân viên” trong Dự thảo Luật Chứng khoán: nên sử dụng khái niệm “người của công ty”.

- Điều 43, góp ý về quản trị của Sở giao dịch chứng khoán: Nên theo quy định của Luật Doanh nghiệp.

- Điều 82, thủ tục đăng kí kinh doanh nên được thay đổi “thủ tục đăng kí doanh nghiệp” để thống nhất với Luật Doanh nghiệp.

--%>
Top