Tọa đàm Chuyên đề Perceived uncertainty as a key driver of household saving

Đánh dấu một thập kỷ kể từ cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu, vấn đề tiết kiệm hộ gia đình vẫn là một câu chuyện thu hút sự chú ý từ chính phủ các nước cũng như những chuyên gia. Trong đó, sự bất trắc (Uncertainty), trong thu nhập hay sức khoẻ, cũng là yếu tố mà bất cứ người quản lý tài chính của hộ gia đình nào cũng phải lưu tâm.      

Tọa đàm với chuyên đề “Perceived uncertainty as a key driver of household saving” do Khoa Quản trị Trường Đại học Luật TP.HCM tổ chức

Nhằm tìm hiểu về ảnh hưởng của thu nhập lao động đối với tiết kiệm hộ gia đình và những yếu tố quyết định đến sự thay đổi của tỷ lệ này, ngày 19/12/2019, tại Hội trường A.802 Trường Đại học Luật TP.HCM đã diễn ra Tọa đàm chuyên đề: "Perceived uncertainty as a key driver of household saving" (tạm dịch: Sự bất trắc có thể lường trước là động lực chính trong tiết kiệm hộ gia đình).

Hội thảo được chủ trì bởi GS. Natalia Levenko, Đại học Taltech, Estonia cùng PGS.TS. Nguyễn Thị Thủy – Phó Trưởng Khoa phụ trách khoa Quản trị; và có sự tham dự của các giảng viên khoa Quản trị.

Mở đầu toạ đàm, GS. Natalia Levenko chia sẻ mục đích của việc nghiên cứu về tỷ lệ tiết kiệm ở hộ gia đình và trình bày tổng quan về các nghiên cứu trước liên quan tới chủ đề này.

GS. Natalia Levenko, Đại học Taltech, Estonia đã trình bày những nghiên cứu về tỷ lệ tiết kiệm của hộ gia đình trên thế giới

Tiếp theo, GS đặt ra hai câu hỏi: “Liệu sự bất trắc trong thu nhập của người lao động có ảnh hưởng đến tỷ lệ tiết kiệm?”; và “Những yếu tố nào khác quyết định tỷ lệ tiết kiệm?”. Đây là đề tài trong nghiên cứu của GS và cũng chính là những câu hỏi được trao đổi, dẫn dắt xuyên suốt toạ đàm.

Để trả lời hai câu hỏi trên, GS đã đề cập đến lý thuyết “Precautionary saving” (Tiết kiệm phòng ngừa) của nhà kinh tế học Keynes. Thuyết này đã nhắc tới mức độ cần thiết của “sự tạo lập nguồn cho việc phòng ngừa bất trắc” như một động lực chính cho tiết kiệm hộ gia đình. Bên cạnh đó, GS còn trích dẫn thuyết “Buffer-stock” (Dự trữ điều hoà) của nhà kinh tế học Caroll để giải thích lý do người có thu nhập càng cao thì lại càng tiêu dùng nhiều và tiết kiệm ít. Từ đó, cùng với số liệu thống kê, GS đã phân tích thực trạng và xu hướng hiện nay của nhiều tầng lớp trong tiết kiệm hộ gia đình.

Sau đó, GS cùng các giảng viên đã có những thảo luận, trao đổi về tỷ lệ tiết kiệm ở hộ gia đình so với thu nhập khả dụng của họ, đồng thời phân tích sự khác biệt của tỷ lệ này ở Việt Nam và các nước phát triển như châu Âu hay Mỹ.

Buổi tọa đàm còn có sự tham gia và trao đổi của các giảng viên Khoa Quản trị

Sau gần một giờ đồng hồ diễn ra sôi nổi, tọa đàm đã kết thúc với những kết luận và đóng góp hữu ích, đồng thời làm rõ nhiều yếu tố tác động đến tỷ lệ tiết kiệm hộ gia đình hiện nay ở Việt Nam và toàn thế giới.

PGS.TS. Nguyễn Thị Thủy – Phó Trưởng Khoa phụ trách khoa Quản trị gửi món quà cảm ơn đến GS. Natalia Levenko


GS. Natalia Levenko chụp hình lưu niệm cùng các giảng viên Khoa Quản trị

 

Nội dung: Anh Thư, Vũ Uyên
Hình ảnh: Nam Hiếu
Ban Truyền thông ULAW

 


--%>
Top