Hội thảo “Một số vấn đề tồn tại trong Bộ luật dân sự 2015 và Bộ luật tố tụng dân sự 2015 về Tư pháp quốc tế – Góp ý hoàn thiện”

Với mục tiêu hoàn thiện pháp luật Việt Nam về điều chỉnh quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài, vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài, hội thảo đã chỉ ra những thiếu sót, vướng mắc trong quy định của pháp luật Việt Nam về tư pháp quốc tế, từ đó đề ra những kiến nghị sửa đổi, bổ sung thiết thực hơn với thực tiễn xét xử. 

Sáng 11.5.2018, tại phòng họp A905 trường Đại học Luật thành phố Hồ Chí Minh, Khoa Luật quốc tế đã tổ chức hội thảo với chủ để “Một số vấn đề tồn tại trong Bộ luật dân sự 2015 và Bộ luật tố tụng dân sự 2015 về Tư pháp quốc tế – Góp ý hoàn thiện”. Tham dự hội thảo có ThS. Nguyễn Công Phú – Thẩm phán Tòa Kinh tế TAND TP. Hồ Chí Minh, ThS. Trần Thị Ngọc Nữ - Luật sư, Chi hội trưởng chi hội Luật sư Bảo vệ quyền trẻ em thuộc Hội Bảo vệ quyền trẻ em TP. Hồ Chí Minh, PGS. TS. Đỗ Văn Đại – Trưởng khoa Luật Dân sự, PGS. TS. Trần Việt Dũng – Trưởng Khoa Luật Quốc tế, TS. Đỗ Thị Mai Hạnh – Trưởng bộ môn tư pháp quốc tế cùng các thầy cô là Giảng viên Khoa Luật quốc tế và đông đảo các bạn sinh viên có quan tâm đến vấn đề này.

 

Khoa Luật quốc tế tổ chức hội thảo với chủ để “Một số vấn đề tồn tại trong Bộ luật dân sự 2015 và Bộ luật tố tụng dân sự 2015 về Tư pháp quốc tế – Góp ý hoàn thiện”

Mở đầu hội thảo, TS. Đỗ Thị Mai Hạnh phát biểu khẳng định nhiều quy định của pháp luật dân sự Việt Nam về tư pháp quốc tế, mặc dù đã có nhưng tiến bộ đáng kể, song đã nảy sinh nhiều bất cập trong thực tiễn áp dụng. Vì thế, hội thảo được tổ chức với mục tiêu nghiên cứu, thảo luận ý kiến giữa các chuyên gia nhằm đề xuất sửa đổi, hoàn thiện Bộ luật dân sự 2015, Bộ luật tố tụng dân sự Việt Nam 2015 về tư pháp quốc tế. 

 

TS. Đỗ Thị Mai Hạnh - Trưởng bộ môn tư pháp quốc tế (bên phải) phát biểu khai mạc hội thảo

Hội thảo bắt đầu với bài tham luận của PGS. TS. Đỗ Văn Đại với chủ đề “Những bất cập và hướng hoàn thiện về chế định công nhận và cho thi hành phán quyết trọng tài nước ngoài tại Việt Nam”. Bài tham luận đã tập trung làm rõ ba điểm bất cập. Thứ nhất, về quy định “giải quyết toàn bộ nội dung vụ tranh chấp” trong khái niệm “phán quyết trọng tài nước ngoài”tại Khoản 2 Điều 424, quy định này đã dẫn đến khó khăn liên quan đến công nhận, cho thi hành quyết định của trọng tài nước ngoài không giải quyết nội dung tranh chấp (chẳng hạn như về về án phí, thời hiệu giải quyết tranh chấp) hoặc chỉ giải quyết một phần nội dung tranh chấp. Với bất cập này, PGS đề xuất ngoài việc bổ sung các quy định của pháp luật còn cần có sự linh động trong thực tiễn xét xử, theo đó cho phép có nhiều phán quyết một phần nhưng việc công nhận và cho thi hành chỉ giải quyết một lần để đảm bảo tốt vấn đề về thời gian và chi phí.Thứ hai, từ kinh nghiệm thực tiễn của mình, PGS cho biết có phán quyết được ban hành nhưng không có điều kiện thi hành ở VN. Do đó, nên có thủ tục chỉ công nhận mà không thi hành đối với các phán quyết đó. Thứ ba, tác giả cho rằng cần có một cách hiểu rõ ràng về khái niệm “cho thi hành” và “thi hành” để từ đó xem xét lại các điều kiện đối với yêu cầu công nhận, cho thi hành như điều kiện về trụ sở, tài sản. 

 

PGS.TS. Đỗ Văn Đại chỉ ra một số vướng mắc trong việc công nhận và cho thi hành phán quyết trọng tài nước ngoài tại Việt Nam.

Thẩm phán Nguyễn Công Phú đã đề cập đến 5 vấn đề khó khăn, vướng mắc trong quy định của pháp luật Việt Nam qua bài tham luận “Thực trạng và đề xuất giải pháp hoàn thiện hệ thống quy phạm pháp luật tư pháp quốc tế Việt Nam về công nhận và cho thi hành phán quyết của trọng tài nước ngoài”. Bài tham luận tập trung bàn luận về căn cứ cho phép Tòa án không từ chối công nhận và thi hành phán quyết trọng tài nước ngoài. Thẩm phán đề xuất nên thay đổi cách quy định “trái với các nguyên tắc cơ bản trong pháp luật Việt Nam” bằng quy định “trật tự công” bởi nó có nội hàm hẹp hơn nên sẽ hạn chế rất nhiều sự lạm dụng căn cứ về nội dung phán quyết để không công nhận phán quyết trọng tài nước ngoài trong thực tiễn xét xử.

 

Thẩm phán Nguyễn Công Phú với phần trình bày tham luận tập trung bàn luận về căn cứ cho phép Tòa án không từ chối công nhận và thi hành phán quyết trọng tài nước ngoài

Về bài hai bài tham luận nêu trên, TS. Phan Ngọc Tâm – Giảng viên Khoa Luật quốc tế đồng tình với quan điểm của PGS. TS. Đỗ Văn Đại và Thẩm phán Nguyễn Công Phú rằng nhà làm luật đã chủ quan, không lường hết được các vấn đề nảy sinh trong thực tiễn áp dụng. Theo TS, thỏa thuận trọng tài chỉ lựa chọn quy tắc tố tụng, không được phép lựa chọn luật áp dụng. Ngoài ra, không cần thiết phải quy định về thẩm quyền riêng biệt của Tòa án Việt Nam đối với các tranh chấp hợp đồng vì nó thể hiện ý chí của các bên, trừ khi tranh chấp thuộc về 3 trường hợp: liên quan đến chủ quyền quốc gia, lợi ích công cộng; bảo hộ công dân; nếu nó là mối quan hệ duy nhất và có mối quan hệ gắn bó nhất.

 

TS. Phan Ngọc Tâm cho rằng, thỏa thuận trọng tài chỉ lựa chọn quy tắc tố tụng, không được phép lựa chọn luật áp dụng

PGS. TS. Lê Thị Nam Giang – Giám đốc Trung tâm Sở hữu trí tuệ không đồng tình với quan điểm của thẩm phán Nguyễn Công Phú về việc đưa khái niệm “trật tự công” để thay thế khái niệm “nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam”. Về vấn đề này, PGS. TS. Trần Việt Dũng cho rằng cả hai khái niệm đều rất mơ hồ, tuy nhiên việc áp dụng khái niệm “nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam” có thể dẫn đến việc áp dụng pháp luật theo cách hiểu chủ quan của các thẩm phán. ThS. Ngô Kim Hoàng Nguyên - PGĐ Trung tâm Thông tin - Thư viện, giảng viên khoa Luật Quốc tế Trường Đại học Luật TP.HCM cho rằng khái niệm “trật tự công” (public orders) theo pháp luật Hoa Kỳ là tác động của cơ quan nhà nước để đảm bảo cho các quy định của pháp luật về hành chính và hình sự được thực thi. Trong hệ thống Thông luật, quy định này cho phép thẩm phán lựa chọn quy định phù hợp để giải quyết từng vụ việc riêng biệt. Do đó, hai khái niệm này không hoàn toàn đồng nhất và có thể thay thế cho nhau. 

 

Rất nhiều vấn đề pháp lý xung quanh chủ đề trên được đem ra tranh luận tại hội thảo.

Hội thảo được tiếp tục với phần trình bày của thầy Võ Hưng Đạt – Giảng viên Khoa Luật quốc tế với bài tham luận “Xác định yếu tố nước ngoài theo pháp luật một số nước và kinh nghiệm cho Việt Nam”. Bài tham luận cho thấy sự khác biệt trong quy định của các quốc gia về nghĩa vụ xác định yếu tố nước ngoài của Tòa án, đồng thời chỉ ra hai vấn đề trong các quy định của BLDS 2015 và BLTTDS 2015 về vấn đề này: về chủ thể là người Việt Nam định cư ở nước ngoài và về xác định người tham gia vụ việc dân sự. Đối với vướng mắc này, GV. Võ Hưng Đạt kiến nghị nên có sự thống nhất các quy định về người Việt Nam định cư ở nước ngoài và quy định về cách xác định yếu tố nước ngoài trong BLDS và BLTTDS 2015 và cần làm rõ người tham gia vụ việc dân sự để làm phát sinh yếu tố nước ngoài gồm những chủ thể nào.

Cùng chủ đề về người Việt Nam định cư ở nước ngoài, TS, Đỗ Thị Mai Hạnh đặt ra vấn đề “Địa vị pháp lý của người Việt Nam định cư ở nước ngoài và tổ chức nước ngoài trong tư pháp quốc tế Việt Nam”. Theo BLDS 2015, người Việt Nam định cư ở nước ngoài đã không còn được xem là dấu hiệu của yếu tố nước ngoài. Thay đổi này đã đặt ra câu hỏi về địa vị pháp lý của chủ thể này khi tham gia vào các quan hệ dân sự. Bài tham luận chia chủ thể này thành 2 nhóm: Công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài và người có gốc Việt Nam, đồng thời kiến nghị loại bỏ quy định về công dân Việt Nam đồng thời có quốc tịch nước ngoài theo Khoản 2 Điều 672 BLDS 2015 và Khoản 1 Điều 466 BLTTDS 2015. Đối với tổ chức nước ngoài, TS nhấn mạnh sự cần thiết của việc bổ sung quy định về tổ chức nước ngoài vào Khoản 2 Điều 663 bởi lẽ bản chất của chủ thể cá nhân và pháp nhân khi tham gia quan hệ pháp luật dân sự nói chung và quan hệ mang tĩnh chất dân sự thuộc đối tượng điều chỉnh của tư pháp quốc tế nói riêng là khác nhau. 

Giảng viên Đào Thị Vui – Giảng viên Khoa Luật Quốc tế đã trình bày tham luận với chủ đề “Áp dụng pháp luật nước ngoài tại Việt Nam theo quy định của Bộ luật dân sự 2015”. Bên cạnh việc khái quát về khái niệm áp dụng pháp luật nước ngoài và cách thức áp dụng pháp luật nước ngoài theo quy định của pháp luật dân sự Việt Nam, một điểm mới trong quy định của BLDS 2015 cũng được đề cấp đến là trường hợp cho phép dẫn chiếu đến pháp luật nước thứ ba. Các diễn giả đều đồng ý các vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài được thụ lý và giải quyết bởi Tòa án Việt Nam có hoạt động áp dụng pháp luật nước ngoài dường như hiếm có trong thực tiễn xét xử và vì thế càng cần phải hoàn thiện chế định về áp dụng pháp luật nước ngoài, nhất là trong bối cảnh thương mại quốc tế ngày càng phát triển.

Vấn đề “Áp dụng học thuyết “Mối liên hệ gắn bó” cho việc xác định pháp luật áp dụng đối với hợp đồng dân sư có yếu tố nước ngoài” được NCS. Phan Hoài Nam – Giảng viên Khoa Luật quốc tế trình bày trong hội thảo. Một số khó khăn trong việc áp dụng các quy định tại Khoản 2 Điều 683 BLDS 2015 đã cho thấy các nhà làm luật đã quá lạm dụng trong việc dùng các quy định của học thuyết “mối liên hệ gắn bó” – một học thuyết đang được sử dụng phổ biến trong tư pháp quốc tế - để cố khẳng định về tính ưu tiên của nguồn luật được xác định. Tác giả cũng đã dẫn chiếu một số quy định của pháp luật EU và một số nước khác để từ đó đề ra một số kiến nghị sửa đổi nhằm đảm bảo hơn tính cụ thể và sự chắc chắn cho điều khoản về pháp luật áp dụng cho quan hệ hợp đồng dân sự có yếu tố nước ngoài nếu các bên không có thỏa thuận lựa chọn pháp luật áp dụng.

 

Các kinh nghiệm từ pháp luật nước ngoài được xem xét nhằm đề xuất sửa đổi, hoàn thiện tư pháp quốc tế Việt Nam.

Một khía cạnh khác trong quy định về tư pháp quốc tế được ThS. Ngô Kim Hoàng Nguyên mang đến hội thảo, đó là “Giải quyết xung đột pháp luật về bồi thường thiệt hại ngoài hợp dồng theo tư pháp quốc tế Myanmar và Việt Nam”. Từ những nghiên cứu về tư pháp quốc tế Malaysia, tác giả đã có sự đối chiếu với quy định tại Điều 687 BLDS 2015 về lựa chọn pháp luật áp dụng, đồng thời thể hiện tương quan so sánh về nguyên tắc chính đối với giải quyết bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng có yếu tố nước ngoài: nguyên tắc pháp luật của nước nơi xảy ra thiệt hại và nguyên tắc pháp luật của nước nơi phát sinh hành vi bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng. ThS đề xuất nên sửa đổi Điều 687 theo hướng công nhận nguyên tắc đầu tiên bởi nó phản ánh tương đồi đầy đủ bản chất của vấn đề này.

Từ góc nhìn của một người làm công tác thực tiễn, Luật sư Trần Thị Ngọc Nữ đã trình bày vụ việc đang giải quyết và chưa có hồi kết về vụ việc yêu cầu công nhận và cho thi hành một bản án về hôn nhân gia đình của Tòa án Pháp trong bài tham luận về “Quy trình công nhận và cho thi hành bản án dân sự của Tòa án Pháp tại Việt Nam – Góc nhìn từ thực tiễn”. Luật sư chỉ ra nhiều bất cập trong quy trình công nhận và cho thi hành một phán quyết dân sự của tòa án nước ngoài tại Việt Nam chẳng hạn như về thời gian tống đạt hay thời gian xét đơn kháng cáo. Bên cạnh đó, thuận lợi của việc có Hiệp định tương trợ tư pháp giữa Việt Nam và Pháp cũng được luật sư phân tích. Từ đó, luật sư có những đề xuất hoàn thiện pháp luật và thúc đẩy việc đảm bảo thời gian tố tụng theo quy định của pháp luật để bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của các bên.

Khép lại buổi hội thảo, TS. Đỗ Thị Mai Hạnh đã bế mạc hội thảo, gửi lời cảm ơn đến quý khách mời, các học giả pháp lý và các bạn sinh viên. TS đãkhẳng định những góp ý, tranh luận tại hội thảo sẽ là những kinh nghiệm, kiến thức quý báu để các học giả pháp lý tiếp tục hoàn thiện những nghiên cứu của mình, sẽ tiếp tục nghiên cứu  có hiệu quả để đăng tải được trên các tạp chí pháp lý có uy tín, phục vụ cho việc hoàn thiện BLDS 2015, BLTTDS 2015 về tư pháp quốc tế Việt Nam .

Bài: Bảo Ngân

Ảnh: Thủy Tiên, Thanh Toàn

Ban Truyền thông ULAW

--%>
Top