Hội thảo "Marketing tuyển sinh Đại học"

Khoa quản trị tổ chức Hội thảo khoa học “Marketing tuyển sinh đại học” góp phần cung cấp thông tin và kiến thức, giúp người làm nghiên cứu khoa học, nhà quản lý giáo dục, người đang quản lý các hoạt động tuyển sinh có cái nhìn tổng quan, rõ ràng hơn về thực trạng Marketing tuyển sinh ở bậc đại học.

Sáng ngày 16/03, tại hội trường A1002 cơ sở Nguyễn Tất Thành, Khoa Quản trị tổ chức Hội thảo “Marketing tuyển sinh Đại học” với sự phối hợp của Phòng Đào tạo và Trung tâm QHDN& HTSV. Chủ trì Hội thảo là TS. Nguyễn Thị Thủy - Phó trưởng khoa Quản trị, Trưởng Ban tổ chức Hội thảo. Ths. Lê Văn Hiển - Phó Trưởng Phòng Đào tạo, ThS. Hà Thị Thanh Mai, Khoa Quản trị.

Hội thảo đã nhận được sự quan tâm, tham dự và chỉ đạo của PGS.TS. Trần Hoàng Hải, Phó Hiệu trưởng Phụ trách Trường, PGS.TS. Bùi Xuân Hải, Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Hiệu trưởng. Bên cạnh đó, Hội thảo cũng nhận được sự tham dự đông đảo từ lãnh đạo các đơn vị, các giảng viên, chuyên viên trong Ban Tư vấn tuyển sinh của Nhà trường và các cán bộ quản lý Bộ phận tuyển sinh của các trường Đại học công lập và ngoài công lập. Đến với hội thảo, còn có sự tham dự từ doanh nghiệp, chuyên gia, báo chí cũng như đông đảo sinh viên của Trường tham dự

Phát biểu tại Hội thảo, PGS.TS. Trần Hoàng Hải đã giới thiệu hình thức thi riêng của Trường Đại học Luật TP.HCM, cụ thể là việc tuyển sinh qua hai bước “Xét tuyển” kết hợp với “Kiểm tra năng lực” kể từ năm 2016. Trong quá trình xây dựng Đề án và xác định phương thức tuyển sinh, Nhà trường đã có tham khảo “Mô hình SAT” (mô hình tuyển sinh được áp dụng ở một số nước như Hoa Kỳ, Canada và Úc), tiến tới việc không phụ thuộc vào bài thi chuẩn hoá nhằm sàng lọc những thí sinh thật sự phù hợp với nghề Luật. Bên cạnh đó, Trường sẽ ngày càng nâng cao chất lượng đào tạo thông qua việc tuyển và mời thêm giảng viên nước ngoài tham gia giảng dạy tại Trường.

Phát biểu của TS. Nguyễn Thị Thủy, Phó trưởng Khoa quản trị, Trưởng Ban tổ chức Hội thảo cho rằng buổi hội thảo sẽ là cơ hội giao lưu học hỏi về mặt học thuật cũng như bàn luận về các vấn đề thực tiễn mà các Trường đang gặp phải. Bên cạnh đó, hội thảo còn tham vấn đại diện từ phía doanh nghiệp về nhu cầu sử dụng nguồn nhân lực trên thị trường lao động hiện nay. Kết quả hội thảo sẽ được sử dụng nhằm hỗ trợ Ban tư vấn của Nhà trường có thêm một số thông tin nhất định và cũng là cơ hội để các Trường đại học khác có thể đúc kết một số bài học và kinh nghiệm thực tiễn từ Hội thảo.

C:\Users\Thanh Mai\Desktop\thhai.jpg

Ts. Nguyễn Thị Thủy, Phó trưởng Khoa quản trị, Chủ trì Hội thảo đã sắp xếp khéo léo trong việc xen kẽ trình tự trình bày tham luận giữa các học giả nghiên cứu các mô hình lý thuyết và ngay sau đó là góc nhìn từ doanh nghiệp hoặc những cán bộ quản lý, người đang thực hiện công tác tuyển sinh nhằm giúp cho người tham dự Hội thảo có thể nhìn nhận được vấn đề một cách toàn diện hơn. Chính vì vậy, trong các phiên thảo luận của Hội thảo đã nhận được sự trao đổi sôi nổi khiến chủ tọa phải nhiều lần tạm ngưng các phiên thảo luận để Hội thảo được diễn ra đúng với Chương trình đã đề ra. Ngoài ra, vì số bài tham luận đăng kí phát biểu ngoài trường quá nhiều nên có nhiều bài tham luận trong trường không được trình bày tại hội thảo.

Mở đầu hội thảo, Thạc sỹ Đặng Hoàng Vũ, giảng viên Trường Đại học Tài nguyên môi trường TP.HCM giới thiệu khái quát về hành vi chọn trường và chọn ngành. Ông cho rằng, hiện nay có hai xu hướng chọn ngành: một là chọn theo xu hướng đam mê và năng khiếu, hai là chọn theo xu hướng niềm tin tương lai. Ông dự đoán trong tương lai, việc chọn ngành sẽ nghiêng theo xu hướng thứ nhất vì xu hướng thứ hai có tính thiếu ổn định. Một minh hoạ rõ rệt cho tính thiếu ổn định này là việc nhiều bạn trẻ nghe theo những dự báo và tập trung vào các nghề “hot”. Tuy nhiên, khi tốt nghiệp thì các bạn không tìm được việc làm vì thị trường thay đổi khác với dự báo ở giai đoạn tuyển sinh.

Ông Hà Huy Tiến, CEO HTComnet Group có phần trình bày từ góc nhìn của doanh nghiệp đối với hoạt động tuyển sinh. Ông cho rằng thị trường việc làm đang rất cần những người có kiến thức luật và kinh tế. Vì vậy, việc đào tạo song ngành của Trường đáp ứng được nhu cầu của các nhà tuyển dụng hiện nay. Chia sẻ một số quan điểm về ngành Quản trị - Luật, vốn được xem là ngành đặc trưng của Trường Đại học Luật TP.HCM. Ông cho rằng ngành Quản trị - Luật có được sự khác biệt bởi chưa có đơn vị nào khác ngoài Trường Đại học Luật TP.HCM giảng dạy ngành này. Tuy nhiên, ông cảm thấy mức học phí của ngành vẫn chưa có được sự khác biệt. Bởi lẽ đó, ông cho rằng Trường cần điều chỉnh mức học phí để có được chiến lược khác biệt hóa rõ rệt hơn. Đề cập đến mô hình AIDA/AISAS về việc thực hiện chiến lược marketing tuyển sinh, ông đưa ra các đề xuất rất thiết thực và cụ thể đối với Trường Đại học Luật TP.HCM.

Ông Nguyễn Hưng, CEO Green IT có phần trình bày về các giải pháp trực tuyến nên được sử dụng trong việc tuyển sinh khá tương đồng với những giải pháp hiện tại của Trường FPOLY do ông Hứa Trọng Hiếu, đại diện của Trường chia sẻ. Những hình thức digital marketing rất hiệu quả như email tự động, fanpage và các ứng dụng giúp cho đội ngũ offline như học sinh điền thông tin của mình vào phiếu trắc nghiệm nghề nghiệp, các trò chơi online, chụp hình “check in tại trường”, các hashtag để khi học sinh tìm kiếm thông tin trên face sẽ hiện thông tin của trường FPT Polytechnich. Fanpage chính thống cung cấp thông tin chính xác cho sinh viên và một fanpage thu hút thì tăng tính tương tác với những thông tin nóng, theo xu hướng. Đây là mô hình mà trường đang sử dụng, hiệu quả mang đến cũng khá tốt với kết quả là hàng năm có khoảng 2000 sinh viên theo học.

Về cách thức marketing, Ts. Hồ Viễn Phương – Phó Giám đốc Trung tâm tư vấn và tuyển sinh Trường đại học Kinh tế - Tài chính chia sẻ xuất phát từ việc “Biết tin thử mong muốn” ở các Trường đại học công lập thì thí sinh đã biết đến Trường, nên những hình thức họ tập trung vào tư vấn và hướng nghiệp là chính. Tuy nhiên, các Trường đại học ngoài công lập thì chưa được nhiều người biết đến vì vậy họ cần phải dùng các hình thức để thu hút học sinh như hát, nhảy múa, quà tặng,.. sau đó mới đến việc thực hiện những giai đoạn tiếp theo là tư vấn tuyển sinh và hướng nghiệp.

Chia sẻ của bà Nguyễn Thị Kim Phụng – Phó Giám đốc Trung tâm tư vấn và tuyển sinh Trường đại học Tài chính – Marketing. Trường có ban tư vấn tuyển sinh và hướng nghiệp riêng. Ban này phải có đủ đam mê và nhiệt huyết thì mới truyền tải hết được những nội dung cần tư vấn và hướng nghiệp được cho các em học sinh. Bà cũng chia sẻ thêm tại các buổi tư vấn hướng nghiệp không chỉ nên nói về ngành nghề trường đang đào tạo mà tập trung vào những ngành nghề xã hội đang cần, đang có xu hướng phát triển.

NCS. Ths Huỳnh Đinh Thái Linh nguyên là quản lý Bộ phận tuyển sinh sau đại học của Trường đại học Việt Đức và hiện đang là Quản lý Quỹ giáo dục Hindrich Foundation Châu Á. Bà cho rằng đối tượng Trường Đại học Việt Đức hướng đến là những bạn có điểm cao và có thu nhập cao; chính vì vậy, Trường sẽ đi đến các trường chuyên của cả nước để tư vấn, đội ngũ tư vấn không những giảng viên và cả Ban giám hiệu trực tiếp tư vấn cho các em học sinh, một tư vấn một và không có khoảng cách. Ngoài ra, vì ngân sách thu học phí của sinh viên không đủ nên Trường tìm kinh phí tài trợ từ các doanh nghiệp. Hơn nữa, việc có nhiều chương trình học bổng cũng là hình thức để thu hút các em theo học với hình thức học “Work practiced learning”.

Ts. Trần Đức Tuấn, Trưởng Bộ môn Tâm lí học - Trường Đại học KHXH & NV và ThS. Vũ Tuấn Anh, Trưởng Dự án khởi nghiệp công đồng Hoa sen có cùng quan điển các trường Đại học cần đẩy mạnh marketing trên mạng xã hội. Các Trường phải tạo ra kênh và kiểm soát những phản hồi của khách hàng về chất lượng dịch vụ; tận dụng like, share của sinh viên để quảng bá nhiều hơn hình ảnh của Trường. PGS.TS. Trần Hoàng Hải cũng đánh giá cao phương thức tuyển sinh online.


C:\Users\Thanh Mai\Desktop\ht1.jpg

Buổi hội thảo diễn ra trong không khí chia sẻ nhiệt tình và sôi nổi kéo dài đến hơn 12h trưa mới kết thúc. Ts. Nguyễn Thị Thủy, Phó trưởng Khoa quản trị tổng kết và gửi lời cảm ơn khách mời, thầy cô, báo chí và sinh viên đã tham dự Hội thảo và mong nhận được sự quan tâm đối với các Hội thảo tiếp theo của Khoa quản trị - Trường Đại học luật TP.HCM.

Bài: Vũ Uyên

Ảnh: Thái Hảo, Thuỷ Tiên

(Hình ảnh và thông tin trong bài sử dụng nguồn từ Khoa Quản trị) 

Ban truyền thông Ulaw

--%>
Top