Hội thảo cấp Trường “Nâng cao hiệu quả đào tạo các lớp thuộc chương trình đào tạo chất lượng cao”

Sáng ngày 29/8, tại Hội trường A1002 cơ sở Nguyễn Tất Thành, Trường ĐH Luật TP. Hồ Chí Minh đã diễn ra buổi hội thảo cấp trường về nâng cao hiệu quả đào tạo các lớp chất lượng cao.

Tham dự buổi hội thảo về phía Nhà trường gồm có PGS.TS Bùi Xuân Hải – Phó Hiệu trưởng Nhà trường, các thầy cô lãnh đạo các Khoa, phòng ban, về phái khách mời có ThS. Nguyễn Văn Trung và ThS. Bùi Kiều Hạnh đến từ trường ĐH Giao thông – Vận tải cùng các thầy cô và các sinh viên thuộc các lớp chất lượng cao.


Nhiều vấn đề về nâng cao chất lượng chương trình đào tạo chất lượng cao được đưa ra trong Hội thảo

Mở đầu buổi hội thảo, PGS. TS Bùi Xuân Hải khái quát về quá trình hình thành chương trình đào tạo chất lượng cao và cho biết trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh chính là nơi tiên phong trong lĩnh vực đào tạo này. Cùng với đó, thầy cũng nêu rõ 6 thách thức về chương trình chất lượng cao của trường đang phải đối mặt hiện nay:

  • Cạnh tranh đào tạo luật chất lượng cao với các cơ sở đào tạo luật khác;
  • Lượng sinh viên ngày càng tăng và trong số các sinh viên tốt vẫn còn nhiều sinh viên chưa tốt về cả năng lực lẫn thái độ học tập;
  • Chương trình đào tạo liên tục sửa đổi nhưng tài liệu học tập lại không đổi mới kịp thời;
  • Phương pháp giảng dạy giữa chất lượng cao và đại trà chưa có nhiều điểm khác biệt;
  • Cần thay đổi phương pháp đánh giá sinh viên chất lượng cao;
  • Kỹ năng thực tiễn của sinh viên vẫn chưa đủ.

Vì thế, thầy nhấn mạnh điều cần thiết bây giờ không phải là tăng số lượng sinh viên mà phải tăng chất lượng sinh viên để xứng đáng với tên gọi chương trình đào tạo chất lượng cao.


PGS. TS Bùi Xuân Hải, Phó Hiệu trưởng Nhà trường khái quát về quá trình hình thành chương trình đào tạo chất lượng cao

Tại Hội thảo, PGS.TS Đỗ Minh Khôi đưa ra vấn đề thầy cho là cốt yếu nếu muốn nâng cao chương trình đào tạo CLC, đó là phải thay đổi vai trò của giảng viên trong lớp học từ người cung cấp trở thành người hỗ trợ cho sinh viên với sự hỗ trợ của công nghệ thông tin. Bên cạnh đó cầnthay đổi cấu trúc lớp học từ học lý thuyết ở lớp và cho bài tập về nhà thành lý thuyết ở nhà và làm bài tập trên lớp.


PGS.TS Đỗ Minh Khôi cho rằng cần thay đổi vai trò giảng viên trong lớp học

Đồng tình với PGS.TS Đỗ Minh Khôi, ThS Nguyễn Văn Trung và ThS. Nguyễn Hồng Quân từ trường ĐH Giao thông – Vận tải cũng cho rằng việc sử dụng công nghệ thông tin cho việc học hiện nay là vô cùng cần thiết. Các thầy đề cập đến việc áp dụng chương trình giáo dục trực tuyến (e-learning) để tiết kiệm thời gian và đem lại hiệu quả cao cho sinh viên, đặc biệt là khi học ngoại ngữ.


Th.S Nguyễn Hồng Quân – ĐH Giao thông – Vận tải cho rằng cần đẩy mạnh học giáo dục trực tuyến (e-learning)

 Theo ThS. Chế Mỹ Phương Đài, song song với việc học trực tuyến, phương pháp giảng dạy truyền thống vẫn hữu ích. Vì đối với các em sinh viên năm nhất, trước đây ở 12 năm phổ thông, chương trình đào tạo hoàn toàn khác so với ở Đại học nên nếu để các em tự học như vậy nhiều hơn sẽ rất khó. Ngành luật lại là một ngành học có rất nhiều thuật ngữ mới lạ và khó hiểu, nếu tự tìm kiếm các em sẽ không biết được mình nên bắt đầu từ đâu và không thể hiểu được cặn kẽ các kiến thức mới ấy. Do đó, giảng viên vẫn phải đóng vai trò cốt yếu để chỉ dạy, hướng dẫn, định hướng cho các em sinh viên, nhất là khi giao bài tập và công việc cho các em.


ThS. Chế Mỹ Phương Đài cho rằng phương pháp học truyền thống vẫn rất hữu ích, nhất là đối với giảng dạy luật

Về phương pháp giảng dạy, theo TS. Lê Huỳnh Tấn Duy, cần giảm tiết giảng lý thuyết và tăng tiết thảo luận nhằm giúp các em nâng cao năng lực bản thân; khắc phục một số bất cập như thư viện số của trường khó tiếp cận, các tạp chí khoa học pháp lý đăng lên web trường chỉ có phần tóm tắt, tài liệu luật nước ngoài còn khan hiếm,…giáo trình nhiều khi chưa cập nhật đủ các quy định pháp luật mới,...


TS  Lê Huỳnh Tấn Duy nêu lên một số vấn đề cần khắc phục của chương trình đào tạo chất lượng cao

Theo PGS.TS Hà Thị Thanh Bình,việc nâng cao khả năng tiếng Anh cũng gặp nhiều khó khăn như khả năng tiếng Anh của giảng viên và trình độ của một số sinh viên chưa đủ tốt, tài liệu học tập không đủ để tiếp cận,… Vì thế, phải bắt đầu đào tạo nghiêm túc khả năng ngoại ngữ của cả giảng viên lẫn sinh viên để nâng cao chất lượng giảng viên trường và sinh viên sau khi ra trường. Ngoài kiến thức pháp luật, sinh viên còn phải vững tiếng Anh để có thể phân tích và so sánh pháp luật nước ngoài với luật trong nước.


PGS.TS Hà Thị Thanh Bình nhấn mạnh việc nâng cao chất lượng ngoại ngữ chương trình đào tạo chất lượng cao

Cũng tại Hội thảo, các giảng viên thảo luận một số vấn đề như vấn đề xếp lớp của sinh viên chất lượng cao theo trình độ hay dung hòa những em học tốt lẫn chưa tốt với nhau; tổ chức thi tiếng Anh hằng năm để phân loại trình độ và xếp lớp (năm đầu tiên sẽ không phân loại tiếng Anh mà đến năm thứ hai nếu các sinh viên cảm thấy tiếng Anh chưa đủ tốt thì sẽ được tham gia các lớp bổ trợ). Ý kiến này được PGS.TS Bùi Xuân Hải cùng nhiều giảng viên đồng tình và có thể sẽ được áp dụng trong tương lai gần.

Buổi thảo luận kết thúc thành công tốt đẹp với rất nhiều ý kiến, phương pháp mới, độc đáo và có thể đem lại hiệu quả cao. PGS.TS Bùi Xuân Hải mong rằng trong tương lai sẽ có nhiều những buổi hội thảo như thế này nữa để tất cả giảng viên, sinh viên được cùng bàn luận và đưa ra giải pháp tốt nhất cho chương trình giảng dạy các lớp chất lượng cao nói riêng và toàn bộ các lớp thuộc ĐH Luật TP. Hồ Chí Minh nói chung nhằm nâng cao chất lượng sinh viên toàn trường.

Bài: Lam Thảo

Hình ảnh:Khánh Linh

Ban Truyền thông ULAW

 


--%>
 

   Cơ sở vật chất đại học luật TPHCM  Học bổng  Hỗ trợ sinh viên

Top