GS trường ĐH Công nghệ Tallinn muốn công bố các công trình NCKH trên tạp chí quốc tế với GV và NCS của Trường.

Với sự tham gia và hỗ trợ nhiệt tình từ các giảng viên Khoa Luật Quốc tế, chuỗi toạ đàm của hai PGS. TS. Đến từ Đại học Công nghệ Tallinn, Estonia đã thành công tốt đẹp, tạo tiền đề cho sự hợp tác và phát triển trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học giữa Đại học Luật TP. HCM và Đại học Công nghệ Tallinn.

Trong khuôn khổ thực hiện Dự án Hợp tác RISE giữa Đại học Công nghệ Tallinn, Estonia, và Đại học Luật TP. HCM, dưới sự điều phối của NCS. Phan Hoài Nam – Giảng viên Khoa Luật Quốc tế, PGS. TS. Thomas Hoffman và PGS. TS. Lehte Roots – là các Giảng viên đến từ Đại học Công nghệ Tallinn đã chủ trì các buổi tọa đàm bằng tiếng Anh và tham dự, tham luận những hội thảo của Khoa Luật Quốc tế dành cho giảng viên, nghiên cứu sinh, học viên cao học và sinh viên có quan tâm.

Chuỗi toạ đàm được mở đầu vào ngày 16 tháng 01 năm 2018 với chủ đề “Kỹ năng nghiên cứu pháp lý và Đăng bài báo tạp chí quốc tế” do PGS. TS. Thomas Hoffman và PGS. TS Lehte Roots chủ trì. Với sự tham gia của PGS. TS. Trần Thị Thuỳ Dương, Phó Tổng biên tập tạp chí Khoa học pháp lý, NCS. Nguyễn Thị Lan Hương, Phó trưởng Bộ môn Luật Thương mại Quốc tế, cùng các giảng viên và học viên cao học, buổi trao đổi diễn ra sôi nổi với các vấn đề chuyên sâu về kỹ năng nghiên cứu khoa học, cùng những tiêu chí để đăng bài viết trên tạp chí quốc tế. Các giáo sư đến từ Đại học Công nghệ Tallinn cũng bày tỏ mong muốn được cộng tác viết bài chung cùng với các giảng viên hiện đang là thạc sĩ và nghiên cứu sinh có quan tâm.

 

Vào buổi chiều cùng ngày, vào lúc 14 giờ tại phòng A. 901, Bộ môn Tư pháp Quốc tế của Khoa Luật Quốc tế cũng hân hạnh tiếp đón PGS. TS. Thomas Hoffman đến trình bày tham luận hội thảo “Các vấn đề về Tư pháp quốc tế”. Bên cạnh tham luận phân tích lý luận và thực tiễn áp dụng của tư pháp quốc tế từ các giảng viên thuộc trường Đại học Luật TP. HCM, PGS. TS. Thomas Hoffman đã chia sẻ quan điểm từ các quốc gia thuộc Liên minh Châu Âu với tham luận về tư pháp quốc tế của EU trong bối cảnh BREXIT. Kết thúc hội thảo, TS. Đỗ Thị Mai Hạnh - Trưởng Bộ môn Tư pháp Quốc tế đã cảm ơn sự có mặt và tham gia nhiệt tình của PGS. TS. Thomas Hoffman cùng các giảng viên, NCS, học viên và sinh viên.

Tiếp theo, vào lúc 8 giờ ngày 20 tháng 01 năm 20018, hội thảo Di dân của công dân Việt Nam ra nước ngoài - Những vấn đề lý luận và thực tiễn” do Bộ môn Công pháp Quốc tế của Khoa Luật Quốc tế tổ chức cũng hân hạnh tiếp đón PGS. TS Lehte Roots cùng các giảng viên đến tham luận, với sự tham gia đông đảo của các học viên và sinh viên có quan tâm. Bên cạnh vấn đề về các hình thức di cư ra nước ngoài hợp pháp và bất hợp pháp của người Việt Nam, TS. Ngô Hữu Phước – Trưởng Bộ môn Công pháp Quốc tế và PGS. TS. Lehte Roots đã bàn luận về các giải pháp không chỉ tạo điều kiện cho những người di cư ra nước ngoài quay về tổ quốc cống hiến mà còn thu hút các nhà khởi nghiệp là công dân nước ngoài đến đầu tư kinh doanh tại quốc gia tiếp nhận. Hội thảo kết thúc cùng ngày với thành công tốt đẹp. Sau lời cảm ơn của TS. Ngô Hữu Phước, PGS. TS Lehte Roots khen ngợi sự tích cực tham luận và ngỏ lời mời các giảng viên có quan tâm tham gia viết bài cho dự án xuất bản sách về Luật an ninh và Công pháp quốc tế sắp đến.


--%>
Top