GS Đại học Công nghệ Tallinn giảng dạy kỹ năng pháp lý và hệ thống quản trị điện tử của Estonia cho SV lớp Thương mại quốc tế

Trong khuôn khổ thực hiện Dự án Hợp tác RISE giữa Đại học Công nghệ Tallinn, Estonia, và Đại học Luật TP. HCM, dưới sự điều phối của NCS. Phan Hoài Nam – Giảng viên Khoa Luật Quốc tế, PGS. TS. Thomas Hoffman và PGS. TS Lehte Roots – Giảng viên đến từ Đại học Công nghệ Tallinn đã giảng dạy bằng tiếng Anh các buổi học chuyên đề cho lớp Luật Thương mại quốc tế K42 và nhận được sự tham gia tích cực của các bạn sinh viên.

Trong tuần đầu tiên, tại giảng đường E. 203 cơ sở Bình Triệu, vào ngày 17/1 và 18/1/2018, với sự hỗ trợ của GV. Ngô Nguyễn Thảo Vy – Khoa Luật Quốc tế, PGS. TS. Thomas Hoffman đã trình bày về “Kỹ năng phân tích pháp lý”, giúp các bạn sinh viên năm nhất của lớp Luật Thương mại quốc tế K42 làm quen với kỹ năng này để làm nền tảng nghiên cứu, học tập tốt khi học các môn chuyên ngành pháp luật. Chuỗi bài giảng thứ hai về “Pháp luật Hợp đồng Đức” diễn ra vào ngày 22 và 23/1/2018 cũng nhận được sự tham gia đông đảo của các bạn sinh viên. Dù chỉ mới bước đầu nghiên cứu về lĩnh vực luật dân sự, với kỹ năng phân tích pháp lý đã được học từ tuần trước và sự năng động trong việc đặt ra các câu hỏi làm rõ vấn đề, PGS. TS. Thomas Hoffman đã bày tỏ sự ngạc nhiên và hài lòng khi thấy các bạn sinh viên đã tiếp thu bài tốt và làm không khí buổi học thật sự tích cực hiệu quả.


Tiếp theo, vào ngày 24 và 25/1/2018, chủ đề “E-governance (Quản trị điện tử)” do PGS. TS Lehte Roots- Giảng viên đại học Tallinn đảm nhận giảng dạy bằng tiếng Anh và với sự hỗ trợ của GV. Nguyễn Xuân Mỹ Hiền – Khoa Luật Quốc tế, đã được tổ chức tại giảng đường E203 cơ sở Bình Triệu. Buổi học cũng thu hút sự tham gia đầy đủ của các bạn sinh viên Lớp Luật Thương mại quốc tế K42. Trong buổi đầu tiên vào ngày 24/1, các bạn sinh viên đã được giới thiệu về một số khái niệm và cấu trúc cơ bản của hệ thống chính phủ điện tử. Các kiến thức về hệ thống E-governance tại quốc gia Estonia đã truyền đến các bạn sinh viên niềm cảm hứng tìm hiểu thêm những vấn đề có liên quan. Buổi học thứ hai vào ngày 25/1 là cơ hội để các bạn sinh viên thảo luận và trình bày quan điểm về việc áp dụng hệ thống trên trong một số dịch vụ được cung cấp bởi chính phủ Việt Nam trong tương lai. Theo đó, các bạn sinh viên đã phân tích những điểm thuận lợi và thách thức của hệ thống chính phủ điện tử tại Việt Nam nói chung và các cơ quan tiêu biểu nói riêng để làm cơ sở cho việc đề xuất giải pháp. Với sự phát triển ngày càng mạnh mẽ của công nghệ, những kiến thức được trình bày và trao đổi trong hai buổi học này sẽ khuyến khích các bạn sinh viên tìm hiểu về cách thức xây dựng và vận hành hiệu quả hệ thống chính phủ điện tử.


Nhìn chung, các chuỗi bài giảng của PGS. TS. Thomas Hoffman và PGS. TS. Lehte Roots đã diễn ra thành công ngoài mong đợi. Điều này cho thấy các bạn sinh viên năm nhất của lớp Luật Thương mại quốc tế K42 đã có nền tảng về ngoại ngữ và tư duy pháp lý tốt để tiếp thu các bài giảng chuyên ngành bằng tiếng Anh hiệu quả tối đa. Sau chuỗi bài giảng này, các bạn cũng bày tỏ nguyện vọng về việc trau dồi thêm tiếng Anh pháp lý để phát huy năng lực của bản thân và tiếp tục thành công hơn trong những buổi học tương tự kế tiếp.

Người đưa tin: GV. Ngô Nguyễn Thảo Vy   

GV: Nguyễn Xuân Mỹ Hiền

Khoa Luật QT



--%>
Top