Giới thiệu Hội thảo Quốc tế "Góp ý Dự thảo Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án hình sự"

GIỚI THIỆU HỘI THẢO QUỐC TẾ

“GÓP Ý DỰ THẢO LUẬT SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT THI HÀNH ÁN HÌNH SỰ”

------------------------------------


Sự ra đời của Luật thi hành án hình sự năm 2010 phản ánh thay đổi trong nhận thức của Việt Nam về vai trò, vị trí của pháp luật thi hành án hình sự; đánh dấu một bước phát triển trong việc hoàn thiện khung pháp lý tư pháp hình sự, tạo cơ sở pháp lý thống nhất, vững chắc cho việc tổ chức thi hành các bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật. Tuy nhiên, qua thực tiễn gần 07 năm áp dụng, một số quy định của Luật thi hành án hình sự năm 2010 và các văn bản hướng dẫn thi hành đã bộc lộ những thiếu sót, bất cập nhất định đòi hỏi phải có sự điều chỉnh kịp thời.

Hơn thế nữa, 04 đạo luật quan trọng liên quan đến tư pháp hình sự bao gồm: Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự, Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự và Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam được Quốc hội khóa XIII thông qua vào năm 2015 đã chính thức có hiệu lực vào ngày 01/01/2018. Điều này dẫn đến việc một số quy định của Luật thi hành án hình sự năm 2010 không còn tương thích và việc sửa đổi, bổ sung đạo luật này là một yêu cầu tất yếu khách quan. Vì vậy, việc đánh giá khách quan và toàn diện Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thi hành án hình sự năm 2010 và đưa ra những kiến nghị nhằm nâng cao chất lượng của Dự thảo là rất cần thiết và có ý nghĩa, giúp hoàn thiện Dự thảo trước khi trình Quốc hội.  

Vì những lý do trên, Trường Đại học Luật thành phố Hồ Chí Minh với sự tài trợ của DANIDA sẽ tổ chức Hội thảo quốc tế với chủ đề: “Góp ý Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thi hành án hình sự năm 2010”.

Thời gian và địa điểm tổ chức

- Thời gian: ngày 07/6/2018 (bắt đầu lúc 8h)

- Địa điểm: Hội trường A1002 Trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh (số 02 Nguyễn Tất Thành, phường 12, quận 4, TP. Hồ Chí Minh)

Nội dung của Hội thảo

Hội thảo nghiên cứu và thảo luận các nhóm vấn đề sau đây:

- Thứ nhất, những vấn đề chung của thi hành án hình sự bao gồm: những quy định chung (phạm vi điều chỉnh, nguyên tắc thi hành án hình sự, những hành vi bị nghiêm cấm trong thi hành án hình sự); hệ thống tổ chức thi hành án hình sự, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan có thẩm quyền trong thi hành án hình sự; kiểm sát thi hành án hình sự

- Thứ hai, những vấn đề liên quan đến thi hành án phạt tù, trong đó tập trung vào các chế độ đối với phạm nhân như: quản lý, giam giữ; ăn, mặc, ở, sinh hoạt và chăm sóc y tế; gặp thân nhân, nhận quà và liên lạc; học tập, học nghề, lao động,… (chú ý đến các phạm nhân là các đối tượng đặc biệt như người chưa thành niên, phụ nữ)

- Thứ ba, thi hành án tử hình: trình tự, thủ tục, quyền của người bị kết án tử hình (quyền kết hôn, ly hôn, hiến tạng, hiến xác,…)

- Thứ tư, trình tự, thủ tục thi hành một số hình phạt bổ sung, biện pháp tư pháp: cấm cư trú, quản chế, biện pháp bắt buộc chữa bệnh, giáo dục tại trường giáo dưỡng,…

- Thứ năm, những vấn đề khác của thi hành án hình sự như: tha tù trước thời hạn có điều kiện; tiếp nhận, chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù; quản lý và hỗ trợ công tác tái hòa nhập cộng đồng cho người chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương

Tham luận của Hội thảo

Hội thảo tập hợp được trên 20 bài viết về những chủ đề khác nhau của thi hành án hình sự. Các tác giả là những người làm công tác nghiên cứu, giảng dạy pháp luật về thi hành án hình sự và những ngành luật khác có liên quan đến từ Trường Đại học Luật thành phố Hồ Chí Minh, Trường Đại học Luật Hà Nội, Trường Đại học Cần Thơ, Trường Đại học Cảnh sát nhân dân, Trường Trung cấp Cảnh sát nhân dân VI. Bên cạnh đó còn có nhiều bài viết của những người làm công tác thực tiễn tại một số Trại giam phía Nam của Bộ Công an như: Thủ Đức, Long Hòa, Phú Hòa, An Phước và PC81 Công an thành phố Hồ Chí Minh.

Thành phần tham dự Hội thảo

Ngoài lãnh đạo Trường Đại học Luật thành phố Hồ Chí Minh, lãnh đạo Khoa Luật hình sự, toàn thể giảng viên Khoa luật hình sự, thành phần khách mời tham dự Hội thảo đến từ rất nhiều cơ quan, tổ chức như:

- Đại diện Cơ quan phát triển quốc tế Đan Mạch (DANIDA);

- Đại diện của các trường Đại học, cơ sở nghiên cứu và đào tạo luật: Đại học Luật Hà Nội, Đại học Cảnh sát Nhân Dân, Đại học An Ninh Nhân Dân, Đại học Tôn Đức Thắng, Đại học Sài Gòn, Đại học Cần Thơ, Đại học Đà Lạt, Đại học Trà Vinh, Trường Trung cấp Cảnh sát nhân dân VI, Trường Cao đẳng Cảnh sát 2, Trường Cao đẳng An ninh nhân dân;

- Đại diện của các cơ quan: Tòa án, Viện kiểm sát và Cơ quan Công an  tại thành phố Hồ Chí Minh và một số tỉnh phía Nam (Bình Thuận, Tiền Giang, Bến Tre, Sóc Trăng, Bạc Liêu);

- Đại diện của các trại giam của Bộ Công an: Thủ Đức, An Phước, Phú Hòa, Long Hòa; và

- Nghiên cứu sinh, học viên cao học, cử nhân và những người có quan tâm.

Ban chuyên môn.



--%>
Top