Giới thiệu Hội thảo cấp trường: “Nâng cao hiệu quả đào tạo các lớp thuộc chương trình đào tạo chất lượng cao”

Thời gian tổ chức: Thứ Tư 29/8/2018

Từ năm 2003, Trường Đại học Luật Tp. Hồ Chí Minh đã thông qua Quyết định 889/QĐ-CTCLC nhằm tập trung đầu tư phát triển các chương trình đào tạo đặc biệt (chương trình chất lượng cao - CLC) và đã đạt được những kết quả khả quan. Đến năm 2008, trong bối cảnh cạnh tranh trong lĩnh vực đào tạo luật ngày càng khốc liệt và sự phát triển mạnh mẽ của quá trình hội nhập quốc tế, nhà trường bắt đầu hoàn thiện và phát triển chương trình đào tạo CLC với định hướng khác biệt rõ ràng. Từ chỗ ban đầu chương trình chỉ tập trung vào mảng pháp luật thương mại, dân sự, quốc tế và ngôn ngữ chủ yếu là tiếng Anh, sau đó, nhà trường đã phát triển thêm chương trình đào tạo CLC khác như chương trình đào tạo CLC tăng cường tiếng Nhật, tăng cường ngôn ngữ tiếng Pháp, Quản trị - Luật (song ngành), Quản trị kinh doanh và lần đầu tiên xây dựng chương trình CLC Hành chính – Tư pháp.

Mục tiêu của các chương trình chất lượng cao là nhằm đào tạo sinh viên tốt nghiệp đáp ứng các yêu cầu về kiến thức, chuyên môn thuộc lĩnh vực được đào tạo, có kỹ năng thực hành xã hội và khả năng thích ứng, cạnh tranh cao trên thị trường lao động. Chương trình cũng được thiết kế nhằm giúp sinh viên rèn luyện các kỹ năng làm việc độc lập, làm việc nhóm, tăng cường khả năng sử dụng tốt ngoại ngữ để học tập, nghiên cứu và làm việc trong môi trường hội nhập.

Xác định là một Trường Đại học mang định hướng nghiên cứu, Nhà trường đã và sẽ luôn đi tiên phong trong việc tham khảo, nghiên cứu áp dụng các giải pháp phù hợp nhằm không ngừng nâng cao chất lượng đào tạo về mọi mặt. Chủ trương đa ngành (Ngành Luật, Quản trị Luật, Quản trị Kinh doanh, Ngôn ngữ Anh, Luật thương mại quốc tế), đa hình thức đào tạo (chính quy CLC, chính quy đại trà, bằng 2, vừa làm vừa học) của Nhà trường không nằm ngoài cam kết và mong muốn cung cấp cho xã hội các sản phẩm Sinh viên tốt nghiệp với chất lượng cao, đáp ứng đa dạng các yêu cầu khắt khe của thị trường lao động hiện đại. Cùng với các hình thức đào tạo khác, hình thức đào tạo CLC đóng vai trò quan trọng và có vị trí trung tâm trong mối quan tâm của Nhà trường. Nhằm tiếp tục nghiên cứu các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả đào tạo các lớp thuộc chương trình đào tạo này, Nhà trường chủ trương tổ chức một Hội thảo chuyên đề về đào tạo CLC với các yêu cầu về tính khoa học, tính đặc trưng qua đó hài hoà yêu cầu xã hội, lợi ích sinh viên với các nguồn lực của Nhà trường.

Sau một thời gian hơn 1 tháng triển khai, Ban tổ chức Hội thảo nhận được hơn 20 tham luận. Qua quá trình biên tập, chỉnh sửa, 19 tham luận đã được Ban tổ chức lựa chọn để in Kỷ yếu của Hội thảo. Tham luận của các tác giả tập trung vào 3 mảng nội dung chính sau đây:

1. Đặc trưng của đào tạo chất lượng cao tại trường

Các tác giả tập trung vào việc phân tích những Quy định và thực tế đào tạo CLC của Trường. Qua các tham luận này,  hình thức đào tạo CLC của Nhà trường có những đặc trưng liên quan đến: Chất lượng đầu vào; số lượng sinh viên/ 1 lớp ít; giáo trình, tài liệu tiên tiến…. Những đặc trưng thực tế này hoàn toàn đáp ứng các quy định của Nhà nước, của Bộ GD&ĐT đối với hình thức đào tạo CLC. Tham luận của các tác giả cũng chỉ ra những đặc trưng này đã thực sự tạo ra những khác biệt lớn trong hình thức đào tạo đại trà và đào tạo theo chương trình CLC. Qua đó khẳng định hình thức đào tạo CLC đã tạo ra những cơ hội lớn hơn để Sinh viên thuộc Chương trình đào tạo này tích cực, chủ động tham gia vào việc học, cũng như cơ hội việc làm và mức lương cao hơn sau khi tốt nghiệp. Ngoài ra, các tham luận cũng đề cập đến những tồn tại mà hình thức đào tạo chất lượng cao cần khắc phục liên quan đến số lượng sinh viên đầu vào, chất lượng giảng viên, điều kiện về cơ sở vật chất… Đây cũng là những tồn tại, thách thức mà hầu hết các cơ sở giáo dục đại học áp dụng hình thức đào tạo chất lượng cao thường gặp phải. Để giải quyết những khó khăn này, nhiều giải pháp được đề xuất, trong đó rất thú vị là có những giải pháp mang tính đặc trưng riêng của Trường - bắt nguồn từ những lợi thế so sánh (về truyền thống, thương hiệu đào tạo, số lượng và chất lượng giảng viên…) mà Nhà trường có được.

Không trực tiếp viết về đào tạo CLC, một tham luận đáng chú ý khác đề cập đến tác động của cuộc cách mạng công nghệ 4.0 với hoạt động dạy và học cho chúng ta thấy tác động sâu rộng của thời đại công nghệ hiện nay lên hoạt động đào tạo nói chung và hoạt động giảng dạy của các Thầy Cô nói riêng.

2. Về phát triển Phương pháp giảng dạy

Để đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng đào tạo theo học chế tín chỉ, những năm gần đây, việc đổi mới nội dung và phương pháp giảng dạy (PPGD) là những vấn đề được Nhà trường quan tâm đặc biệt. Hơn nữa, “Luật học” là ngành luật mà phương châm “học phải đi đôi với hành, lý thuyết không thể tách rời thực tế” phải được thực hiện một cách triệt để nhất. Sinh viên Luật bên cạnh việc tiếp thu các kiến thức mang tính lý luận cần phải hiểu rõ cách thức áp dụng luật vào thực tiễn. Giảng viên Luật cần quan tâm đến những thuận lợi, khó khăn, những kinh nghiệm không những của giảng dạy Đại học nói chung mà còn là giảng dạy Đại học chuyên ngành Luật với những đặc trưng rất riêng… Có lẽ cũng bắt nguồn từ những quan điểm này, một phần lớn các tham luận của Hội thảo tập trung vào việc xây dựng và áp dụng các PPGD tích cực. Các tác giả tham luận đã trình bày một cách toàn diện những vấn đề về thực trạng áp dụng các PPGD hiện nay, nguyên nhân của những tồn tại và đề xuất những giải pháp nhằm xây dựng, triển khai hiệu quả các Phương pháp giảng dạy tích cực trong đào tạo nói chung và áp dụng cho đào tạo CLC nói riêng.

Các PPGD được đề cập có thể được phân thành 2 nhóm chính: Thứ nhất là Nhóm các PPGD tạo điều kiện phát huy tính chủ động, tích cực tham gia của SV; Thứ hai là Nhóm các PPGD giúp tăng cường sự trải nghiệm thực tế công việc cho sinh viên ngay từ khi còn ngồi trên ghế Nhà trường.

-  Đối với nhóm PPGD thứ nhất - Nhóm các PP giúp các Sinh viên phát huy tính chủ động trong việc học có thể kể đến các Phương pháp như: dạy học bằng tình huống, thảo luận, lớp học đảo ngược… Nhóm PPGD thứ hai gồm các Phương pháp: Tư vấn; Thực hành pháp luật; Tham gia Phiên toà giả định; Thực tập, xâm nhập thực tế; Trao đổi sinh viên và thực tập trong môi trường quốc tế; Học qua dự án...

-  Đối với các PPGD có tác dụng vừa khuyến khích Sinh viên học tập chủ động nhưng đồng thời cũng là biện pháp để tạo điều kiện cho giảng viên trẻ học tập kinh nghiệm của các Giảng viên lâu năm, Phương pháp “song giảng - co teaching”, áp dụng bản đồ tư duy được đề xuất với nhiều ý kiến thiết thực.

Đặc biệt, viết về PPGD, 2 phương pháp giảng dạy thực nghiệm mà Trường Đại học Luật TP.HCM đã áp dụng nhuần nhuyễn, đạt nhiều kết quả là phương pháp Phiên toà giả định (Moot Competition) và Phương pháp Tư vấn, thực hành pháp luật đã được các tác giả nghiên cứu, chia sẻ thêm kinh nghiệm một cách chi tiết với đề xuất áp dụng cho tất cả sinh viên thuộc chương trình đào tạo CLC.

3. Những nội dung khác

Không chỉ gói gọn trong 2 nội dung lớn nêu trên, gần một nửa số tham luận còn phân tích những vấn đề khác nhằm nâng cao hiệu quả đào tạo CLC, những vấn đề đó bao gồm một "bức tranh toàn cảnh" với rất nhiều các mảng nội dung khác của hoạt động đào tạo như: xây dựng và vận hành chương trình đào tạo tương thích chuẩn đầu ra; hoạt động nghiên cứu khoa học của giảng viên và sinh viên; Hình thức kiểm tra đánh giá, chú trọng điểm quá trình, Tài liệu học tập tiên tiến và phù hợp; Thái độ, Kỹ năng học tập, trải nghiệm thực tế ngay từ khi ngồi trên ghế Nhà trường của sinh viên… Các tham luận cũng đề cập đến việc giảng dạy các lớp thuộc chương trình đào tạo CLC bằng Ngoại ngữ Tiếng Anh hoặc giảng dạy cho các Lớp có tăng cường tiếng Pháp, tiếng Nhật, với những khó khăn cũng như kinh nghiệm khắc phục đối với những lớp học với yêu cầu cao không chỉ về kiến thức pháp lý mà còn là chuẩn ngoại ngữ rất đặc trưng này.

Kết luận

Có thể nói, hoạt động đào tạo CLC chắc chắn không chỉ và không thể được đề cập một cách đầy đủ và toàn diện được trong một Hội thảo cấp trường. Tuy nhiên Nhà trường hy vọng thông qua Hội thảo, ít nhiều "bức tranh" đào tạo CLC này sẽ có thêm cơ hội được phân tích, xem xét thấu đáo, qua đó chỉ ra thêm “một vài gam màu tối” của các tồn tại khách và chủ quan. Nhận diện được các tồn tại này, thông qua các ý kiến tâm huyết của các chuyên gia, Nhà trường tin rằng sẽ hình thành được một hệ thống các dự báo, định hướng, giải pháp thích hợp qua đó nâng cao hơn nữa hiệu quả đào tạo CLC.

Hội thảo được tổ chức ngay đầu năm học mới, như là một “tín hiệu” thể hiện sự cam kết mạnh mẽ về chất lượng đào tạo của Nhà trường, của các Thầy Cô với sinh viên, với xã hội. Hội thảo hy vọng nhận được sự quan tâm, chia sẻ, tham gia đóng góp ý kiến của tất cả các Thầy Cô, chuyên gia trong vào ngoài Trường nhằm tạo ra một diễn đàn trao đổi sôi nổi cho việc nâng cao hơn nữa hiệu quả giảng dạy các lớp đào tạo CLC.

--%>
Top