Báo cáo Tổng thuật Hội thảo “Nâng cao chất lượng đào tạo Cao học Luật Kinh tế định hướng ứng dụng”

1. Bối cảnh

Hiện nay, nhiều trường Đại học đã tiến hành đào tạo sau đại học (Cao học) tại các địa phương như: Đại học Kinh tế - Luật Thành phố Hồ Chí Minh (thuộc Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh), Đại học Trà Vinh, Đại học Đà Nẵng…với nhiều nội dung thể hiện sự đặc thù nhất định cho địa phương nơi có nhu cầu đào tạo. Điều này tạo nên sự cạnh tranh không nhỏ trong hoạt động đào tạo Cao học của Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh.

Trong thực tế, các địa phương vẫn đang tiếp tục đẩy mạnh việc phát triển nguồn nhân lực cho địa phương, yêu cầu đào tạo nhân lực phục vụ cho chính địa phương là yêu cầu có thật của xã hội. Tuy nhiên, để đáp ứng được yêu cầu đó, thu hút được học viên, một trong các yêu cầu đề ra của chương trình đào tạo là tính phù hợp, tính tương thích của các môn học trong chương trình với các yêu cầu của địa phương.

Với vai trò là trường trọng điểm đào tạo luật của phía Nam, là trung tâm đào tạo lớn của cả nước về pháp lý, Trường Đai học Luật Thành phố Hồ Chí Minh thường xuyên tiến hành rà soát, thay đổi chương trình cho phù hợp với yêu cầu của nhu cầu xã hội.

Chương trình đào tạo Cao học Luật kinh tế hệ ứng dụng là chương trình mà Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh dày công xây dựng và được đánh giá là bước đầu đáp ứng được các yêu cầu của xã hội. Tuy nhiên, để có thể mở rộng chương trình trên diện rộng cũng như có những thay đổi nhất định trong chương trình đào tạo nhằm đáp ứng tốt hơn nữa nhu cầu thiết thực của các địa phương, Khoa Luật Thương mại Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo: “NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG ĐÀO TẠO CAO HỌC LUẬT KINH TẾ ĐỊNH HƯỚNG ỨNG DỤNG”.

2. Mục tiêu của Hội thảo

Buổi Hội thảo nhằm hướng đến và đạt được các mục tiêu sau đây:

Một là, tiếp tục hoàn thiện chương trình đào tạo cao học Luật Kinh tế định hướng ứng dụng đang áp dụng, xây dựng thêm các môn học với tiêu chí chú trọng tính ứng dụng và khả năng áp dụng kiến thức, kỹ năng vào công việc thực tế và theo nhu cầu của người học;

Hai là, luận bàn các giải pháp nhằm địa phương hóa, cá biệt hóa chương trình đào tạo (thông qua việc thiết kế các môn học) phù hợp cho từng nhóm đối tượng người học cụ thể.

Ba là, luận bàn về thực trạng và đưa ra các giải pháp nhằm hoàn thiện các yêu cầu, tiêu chí và cách thức đánh giá luận văn của chương trình cao học Luật kinh tế định hướng ứng dụng;

Bốn là, Hội thảo còn là nơi để các học viên Cao học, các thầy, cô tham gia giảng dạy chương trình Cao học định hướng ứng dụng nêu thêm các vấn đề liên quan đến chương trình nhằm đảm bảo chương trình ngày càng hoàn thiện và đáp ứng đúng các yêu cầu của xã hội như mục tiêu của chương trình hướng đến.

3. Diễn tiến Hội thảo:

Để đạt được các mục tiêu nêu trên, Hội thảo chia thành hai phiên để các diễn giả, đại biểu tham dự buổi Hội thảo tập trung trình bày và cho ý kiến từng nội dung cụ thể: (i) Những vấn đề chung về Chương trình Cao học luật kinh tế định hướng ứng dụng; (ii) Nâng cao tính ứng dụng của chương trình Cao học luật kinh tế định hướng ứng dụng thông qua các môn học cụ thể.

3.1. Những vấn đề chung về Chương trình Cao học luật kinh tế định hướng ứng dụng

Với 05 tham luận viết về những vấn đề chung về Chương trình Cao học luật kinh tế định hướng ứng dụng đó 03 tham luận được trình bày trực tiếp tại Hội thảo. Về cơ bản các diễn giả đã đề cập một cách toàn diện những vấn đề chung về Chương trình Cao học luật kinh tế định hướng ứng dụng như: yêu cầu về tính ứng dụng của chương trình đào tạo Cao học luật kinh tế định hướng ứng dụng tại Đại học luật Tp. Hồ Chí Minh; về các tiêu chí đánh giá luận văn thạc sĩ luật kinh tế định hướng ứng dụng và sự cần thiết phải tăng cường kỹ năng thực hành pháp luât cho học viên chương trình cao học luật định hướng ứng dụng. Cơ sở lý luận và thực tiễn liên quan đến những vấn đề này được các diễn giả đề cập một các chi tiết trong tham luận như: kinh nghiệm xây dựng chương trình của một số trường Đại học trên thế giới (chương trình thạc sĩ Luật Thương mại của Đại học Monash – Australia, Tây Anh Quốc)...[1], các định dạng của nghiên cứu ứng dụng có thể là việc học viên phát hiện và giải quyết những vấn đề cụ thể đặt ra trong thực tiễn áp dụng pháp luật hoặc nghiên cứu triển khai nhằm áp dụng các quy định pháp luật đã có hiệu lực vào thực tiễn…[2], Trên cơ sở đó, Hội thảo đã dành phần lớn thời gian của phiên thứ nhất để các đại biểu, giảng viên, nghiên cứu sinh, học viên Cao học thảo luận về các vấn đề này. Các quan điểm khoa học tại Hội thảo tập trung cơ bản vào nhóm các nội dung sau đây:

Thứ nhất, về xây dựng chương trình Cao học định hướng ứng dụng. Hội thảo  xác định là cần phải tăng cường tính thực tiễn trong chương trình này. Vì đây là chương trình Cao học định hướng ứng dụng nên người học cần tính thực tiễn cao, khả năng áp dụng và sử dụng có hiệu quả trong công việc. Vì vậy, cần phải lựa chọn môn học đáp ứng yêu cầu và giảng viên tham gia cũng cần phải sử dụng phương pháp cho phù hợp. Trên cơ sở đó, Trường cần xem xét và điều chỉnh lại tên và nội dung một số môn học nhằm dáp ứng nội dung ứng dụng hơn.

Thứ hai, về có hay không có yêu cầu viết Luận văn. Hiện nay, có rất nhiều trường trên thế giới xem yêu cầu viết Luận văn có thể không là yêu cầu bắt buộc vì cái cần ở chương trình là tính ứng dụng của nội dung môn học nên chỉ cần học viên tích lũy đủ tín chỉ là được cấp bằng Thạc sỹ. Tuy nhiên, theo chương trình trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh là bắt buộc. Điều này xuất phát từ quy định của pháp luật về chương trình Cao học nên việc viết Luận văn là yêu cầu không thể thay thế.

Thứ ba, yêu cầu của một luận văn. Đây là vấn đề được các diễn giải và đại biểu trăn trở. Vì theo quy định của Trường Đại học Luật Tp. Hồ Chí Minh là Luận văn phải bổ dọc theo từng vấn đề để giải quyết. Tuy nhiên, không phải đề tài nào cũng có thể chia theo từng vấn đề mà đề tài đó chỉ có 01 vấn đề duy nhất. Vì vậy, nên chăng không quy định cứng nhắc Luận văn phải theo một cấu trúc nào khi trình bày kết quả nghiên cứu mà chỉ đưa ra tiêu chí hợp lý/đảm bảo logic[3]. Bên cạnh đó, cũng cần chú ý về  “tính liên thông giữa các chuyên ngành” là xu thế tất yếu của chương trình học Cao học trên thế giới nhưng hiện nay chương trình học Cao học tại trường lại đang có xu hướng ngược lại xu thế đó. Hiện nay, theo chương trình đào tạo thì chỉ cho Học viên học những môn chuyên ngành kinh tế, luận văn chuyên ngành kinh tế mà thôi. Thế nhưng, khi quy định về cách thức viết luận văn thì Nhà trường lại có yêu cầu chung cho tất cả các khoa. Do đó, nhiều diễn giả cũng đề xuất Nhà trường nên trao cho các Khoa chủ động trong việc xây dựng kết cấu luận văn chương trình ứng dụng để phù hợp với đặc thù của từng khoa.

Thứ tư, cách chấm điểm của luận văn. Đây cũng là nội dung mà nhiều đại biểu cho ý kiến để trao đổi. Bởi lẽ, nhiều trường Đại học của nhiều quốc gia vẫn cho phép giáo viên hướng dẫn học viên Cao học chấm điểm Luận văn (hoặc chỉ có giáo viên hướng dẫn chấm hoặc giáo viên hướng dẫn là một trong các thành viên chấm điểm Luận văn). Điều này đảm bảo được vấn đề là chính giáo viên hướng dẫn sẽ nắm rõ nhất về thái độ, tính cầu thị, khả năng tiếp cận và giải quyết vấn đề của học viên. Tuy nhiên, ở Việt Nam hiện nay là không áp dụng. Vì vậy, đôi khi Hội đồng chấm Luận văn không hiểu rõ toàn bộ quá trình thực hiện Luận văn mà chỉ chấm dựa trên kết quả là sản phẩm Luận văn là có điểm chưa hợp lý.

Trên tinh thần trao đổi, thảo luận hết sức cởi mở, PGS.TS Hà Thị Thanh Bình đã có kết luận ngắn gọn rằng các bài tham luận có các đề xuất có giá trị cao. Đây là xu thế tất yếu và có thể khắc phục được những hạn chế của chương trình Cao học định hướng ứng dụng trong thời gian qua. Khoa Luật Thương mại sẽ có ý kiến chính thức đến Nhà trường thông qua các kiến nghị cụ thể trong phần kết thúc hội thảo.

 3.2. Nâng cao tính ứng dụng của chương trình Cao học luật kinh tế định hướng ứng dụng thông qua các môn học cụ thể

Trong phiên thứ hai, Hội thảo tập trung vào nội dung gắn liền với việc nâng cao tính ứng dụng của chương trình Cao học luật kinh tế định hướng ứng dụng thông qua các môn học cụ thể với 05 tham luận được các tác giả viết với nhiều khía cạnh khác nhau, trong số đó có 03 tham luận được các diễn giả trình bày trực tiếp tại Hội thảo. Về cơ bản, phiên hai của Hội thảo tập trung vào các vấn đề sau:

Thứ nhất, việc xây dựng các môn học phù hợp với tính ứng dụng cao trong chương trình Cao học định hướng ứng dụng. Các diễn giả đã chỉ ra rằng việc xây dựng môn học “Giao kết và thực hiện hợp đồng trong kinh doanh” là phù hợp và có tính ứng dụng cao, phù hợp với yêu cầu của chương trình Cao học này. Bởi vì môn học trong chương trình trước đây là “pháp luật hợp đồng trong kinh doanh” là quá rộng nên có thể tạo nên tình trạng cả người dạy và người học cùng “cưỡi ngựa xem hoa” không đạt được hiệu quả môn học. Tương tự, Hội thảo cũng xác định việc bổ sung môn học Pháp luật về Du lịch vào chương trình đào tạo thạc sỹ luật kinh tế định hướng ứng dụng sẽ góp phần nâng cao tính ứng dụng của Chương trình, giúp người học có nhiều lựa chọn hơn trong việc tìm hiểu về môn học có tính chuyên sâu liên quan đến công việc của họ, đặc biệt là các đối tượng công tác trong ngành du lịch hoặc liên quan đến du lịch như các công ty du lịch, các doanh nghiệp khách sạn nhà hàng, các doanh nghiệp khai thác các dịch vụ giải trí, dịch vụ tiêu khiển … và các cán bộ, viên chức làm việc trong lĩnh vực quản lý du lịch.

Thứ hai, về việc giảng dạy môn “Phương pháp nghiên cứu” trong chương trình Cao học. Hiện nay, trường đang tiến hành ghép học viên các lớp Cao học định hướng ứng dụng và Cao học định hướng nghiên cứu cùng học chung môn học này. Tuy nhiên, điều này là chưa khoa học. Vì định hướng của các chương trình này là khác nhau nên cách thức giảng dạy cũng cần có sự khác nhau trong cách thức tiếp cận, nội dung, phương pháp truyền đạt…Việc ghép lớp này chỉ mang tính hiệu quả về kinh tế mà không hiệu quả về khoa học.

4. Kết luận

Việc xây dựng và hoàn thiện một chương trình đào tạo không phải là công việc đơn giản và dễ thực hiện. Để đạt được hiệu quả, công việc này cần có sự tham gia của các chuyên gia, các giảng viên nhiều kinh nghiệm, các phân tích, điều tra xã hội học kỹ lưỡng cũng như sự đóng góp ý kiến từ các học viên, người sử dụng lao động.  Tuy nhiên, trong khuôn khổ của một buổi Hội thảo khoa học cấp Khoa, Hội thảo tạm kết luận và đề xuất các vấn đề sau nhằm” nâng cao chất lượng đào tạo cao học luật kinh tế định hướng ứng dụng” để tăng cường thu hút học viên Cao học theo học Chương trình Cao học Luật kinh tế định hướng ứng dụng:

  1. Đề nghị Nhà trường trao cho các chuyên ngành quyết định yêu cầu hình thức và nội dung của Chương trình Cao học Luật ứng dụng phù hợp với chuyên ngành, nhẹ hơn định hướng nghiên cứu;
  2. Đối với môn “Phương pháp nghiên cứu” cần có sự chia tách 2 lớp nghiên cứu và ứng dụng vì cách thức nghiên cứu của 2 định hướng nghiên cứu này khác nhau;
  3. Về một số môn học: Đề xuất Nhà trường cần tiếp tục rà soát, sửa đổi và thay thế phù hợp với yêu cầu của người học, chú trọng phát triển tính ứng dụng và kỹ năng giải quyết các vấn đề pháp lý cụ thể. Bên cạnh đó, cần xây dựng nhiều môn học tự chọn để giúp người học có thêm nhiều lựa chọn. Tiến tới việc cho phép người học được chọn các môn học của các chuyên ngành khác với điều kiện đã học đủ số lượng tối thiểu các môn học của chuyên ngành Luật Kinh tế.
  4. Đề xuất với Nhà trường cần xem xét giảm nhẹ hơn nữa các yêu cầu đối với luận văn cao học định hướng ứng dụng so với luận văn định hướng nghiên cứu. Xem xét loại bỏ các yêu cầuquá cứng nhắc trong các quy định hiện hành  đối với luận văn cao học định hướng ứng dụng. Nghiên cứu bỏ quy định bảo vệ luận văn cao học định hướng ứng dụng trước Hội đồng chấm luận văn mà có thể chấm bởi hai phản biện độc lập thông qua ý kiến bằng văn bản và thống nhất điểm giữa hai phản biện. Nếu vẫn duy trì hội đồng chấm luận văn, đề xuất có sự tham gia của giáo viên hướng dẫn vào hội đồng này.

(Bài: T.s Phan Phương Nam)



[1] Hà Thị Thanh Bình, “Việc đáp ứng yêu cầu về tính ứng dụng của chương trình đào tạo cao học luật kinh tế định hướng ứng dụng tại Đại học luật Tp. Hồ Chí Minh”, Kỷ yếu Hội thảo “Nâng cao chất lượng đào tạo cao học luật kinh tế định hướng ứng dụng” trang 9, 10, 11.

[2] Nguyễn Văn Vân, “Bàn về các tiêu chí đánh giá luận văn thạc sĩ luật kinh tế định hướng ứng dụng”, Kỷ yếu Hội thảo “Nâng cao chất lượng đào tạo cao học luật kinh tế định hướng ứng dụng” trang 27.

 

[3] Nguyễn Văn Vân, “Bàn về các tiêu chí đánh giá luận văn thạc sĩ luật kinh tế định hướng ứng dụng”, Kỷ yếu Hội thảo “Nâng cao chất lượng đào tạo cao học luật kinh tế định hướng ứng dụng” trang 27.

 

 

--%>
Top