Cô Chế Mỹ Phương Đài: "Các em hãy sống, hành động và hy vọng"

Hành trình nào cũng phải có điểm dừng, câu chuyện nào cũng có hồi kết. Trải qua gần 30 năm gắn bó, cô Chế Mỹ Phương Đài là người giảng viên đã quá quen thuộc với nhiều thế hệ sinh viên Ulaw. Dành hết sự nhiệt huyết của mình cho việc giảng dạy tại Trường Đại học Luật TP.HCM, hành trình của cô với bục giảng sắp dừng lại. Trước khi chia tay với ngôi trường này, nhân dịp Chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, cô đã có những chia sẻ cùng Ban truyền thông Ulaw về chặng đường đã qua.

E:\Document\Thao Lien\IMG_7167.jpg

BTT ULAW: Lời đầu tiên, Ban Truyền Thông Ulaw xin gửi tới cô lời chúc nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, chúc cô luôn mạnh khỏe, hạnh phúc trong cuộc sống. Chúng em được biết là cô sắp nghỉ hưu sau một chặng đường dài gắn bó với nghề giáo, cảm xúc của cô khi sắp phải xa trường, xa giảng đường đã gắn bó gần 30 năm như thế nào ạ?


Cô Phương Đài:  Các em thân mến! Chúng ta đều biết rằng, cái gì đến thì sẽ đến, cô đã gắn bó với ngôi trường Luật này cũng một khoảng thời gian dài rồi, và đã đến lúc phải chia tay. Trường Đại học Luật TP.HCM rất đặc biệt đối với cô. Trong vòng 29 năm qua, cô chỉ làm việc ở duy nhất một nơi, đó chính là ngôi trường này. Có lẽ vì lý do đó mà tất cả tình cảm, tâm huyết của cô đã dồn hết vào nơi đây. Đi cùng Trường Đại học Luật TP.HCM từ những ngày đầu tiên, nhìn Nhà trường liên tục phát triển, lớn mạnh hơn và bây giờ sắp phải chia tay, cô có cảm giác như sắp phải xa một người bạn tri kỷ vậy. Ngoài ngôi trường, thì việc phải chào tạm biệt các em sinh viên mình cũng khiến cô rất bồi hồi. Suốt bao nhiêu năm giảng dạy, nhìn sinh viên khóa trước ra trường, rồi sinh viên mới vào trường, chứng kiến các em trưởng thành theo năm tháng đã đem đến cho cô nhiều niềm vui trong cuộc sống. Sau này, dù ít cơ hội tiếp xúc với sinh viên, không còn trực tiếp đứng trên giảng đường để truyền tải kiến thức cho các em nữa nhưng cô tin rằng sinh viên trường Luật vẫn sẽ như vậy, vẫn luôn trưởng thành và là niềm tự hào của cô cũng như toàn ngôi trường Ulaw này.


BTT ULAW: Theo em được biết, trước đây cô vừa là một Luật sư vừa là một giảng viên nhưng khi buộc phải lựa chọn giữa hai nghề đó, cô đã chọn nghề giáo. Vậy cơ duyên nào đưa cô đến và gắn bó với nghề gần 30 năm ạ?


Cô Phương Đài: Gia đình cô có 8 anh chị em thì có đến 7 người theo nghề giáo. Ông nội cô hồi xưa là thầy đồ nên mong ước của bố cô là con mình sẽ trở thành giáo viên để tiếp nối truyền thống gia đình. Đó có lẽ là một phần nguyên do khiến cô muốn theo đuổi nghề nghiệp giáo viên. Thời điểm đứng giữa hai sự lựa chọn, hoặc là luật sư, hoặc là giảng viên, đó là thời điểm mà nghề luật sư đang là nghề có thu nhập cao, được nhiều người mong ước, nhưng cô đã chọn ở lại. Có nhiều lý do đã giữ cô ở lại. Đó là vì cô yêu công việc này, yêu ngôi trường nơi cô đã trải qua quãng thời gian từ những ngày đầu tiên mới chập chững bước vào nghề với nhiều khó khăn khi còn là Phân hiệu Đại học Pháp lý thành phố Hồ Chí Minh. Và cả cái cách các em say sưa lắng nghe từng bài giảng, chăm chú dõi theo từng tiết học của cô cũng là lý do giải thích cho sự lựa chọn này.


BTT ULAW: Là một trong những người chứng kiến và góp phần cho sự phát triển của trường Luật từng ngày, cô có thể chia sẻ cảm nhận gì của mình về chặng đường đồng hành cùng ngôi trường này không ạ?


Cô Phương Đài: Ngôi trường của chúng ta đã thay đổi rất nhiều. Những ngày đầu tiên, trường chỉ có một cơ sở ở Bình Triệu, cơ sở vật chất còn nhiều thiếu thốn, phòng học xập xệ, chỉ cần trời mưa to một lúc là phòng học đã ngập. Cô còn nhớ như in hình ảnh cô trò lội nước lên giảng đường, các bạn sinh viên ngồi học phải co hết chân lên ghế để không bị ướt. Vậy mà chẳng một lời than phiền, thầy cô vẫn giảng bài, trò thì chăm chú lắng nghe ghi chép. Bây giờ nghĩ lại cô vẫn rất khâm phục tinh thần học tập của các em sinh viên thời ấy. So với hiện tại, trường Luật đã phát triển rất nhiều. Cơ sở vật chất khang trang, có 2 cơ sở ở Quận 4 và Bình Triệu. Cả 2 cơ sở đều được đầu tư xây dựng với nhiều trang thiết bị hiện đại, phòng học rộng rãi, thoáng mát hơn. Mới ngày nào cả trường chỉ có vài trăm sinh viên mà giờ đã lên đến con số vài ngàn. Chứng kiến tất cả quá trình đi lên của trường chúng ta khiến cô vô cùng tự hào. Cô tin chắc rằng, trong tương lai  Trường Đại học Luật TP.HCM sẽ còn phát triển nhiều hơn nữa về cả cơ sở vật chất, chất lượng và quy mô đào tạo.


BTT ULAW: Sau gần 30 năm gắn bó với giảng đường, kỷ niệm nào với sinh viên Ulaw khiến cô ấn tượng sâu sắc nhất ạ?

Cô Phương Đài: Gắn bó với trường đã được gần 30 năm, bao nhiêu thế hệ sinh viên là bấy nhiêu kỷ niệm. Hồi đó khi cơ sở vật chất của trường còn nghèo nàn, có một hôm vì trời mưa to nên toàn trường cúp điện, cô đã đề nghị các sinh viên của mình ra về và học bù vào một buổi khác. Thế nhưng các em nhất quyết xin cô tiếp tục ca học và cả lớp đã đốt đèn cầy để có ánh sáng, điều đó thực sự khiến cô xúc động vô cùng. Một hành động tuy nhỏ nhưng thể hiện tinh thần hiếu học khiến cô càng thương các em nhiều hơn, có thêm động lực để trau dồi hơn nữa bài giảng của mình. Đôi khi, không phải chỉ giảng viên mới có thể tiếp lửa cho sinh viên của mình mà ngược lại, chính sinh viên cũng có thể tiếp lửa cho giảng viên. Nếu không có tinh thần học tập của các em, chắc công việc của cô đã không thú vị và nhiều điểm nhấn như vậy. Một điều khác làm cô ấn tượng trong chặng đường giảng dạy của mình chính là tình cảm mà các sinh viên dành cho cô. Có những sinh viên tưởng chừng như không có cảm tình với cô (vì thường bị cô rầy la, nhắc nhở) nhưng sau khi ra trường chính em đó lại là người đến thăm cô đầu tiên vào dịp 20/11. Khi biết tin cô sắp nghỉ hưu, cũng có nhiều sinh viên thuộc nhiều khóa đã chia sẻ với cô nhiều điều làm cô rất vui. Có thể nói là cuộc đời đi dạy của cô đã được làm giàu bằng chính tình cảm của các em sinh viên - một “tài sản” vô cùng  quý giá mà chẳng thể đánh đổi bằng bất cứ thứ gì khác.



BTT ULAW: Là một giảng viên đã để lại rất nhiều tình cảm trong lòng các thế hệ sinh viên Ulaw chúng em, đã cùng đồng hành với Ulaw và các thế hệ sinh viên qua một chặng đường dài, cô có lời nhắn nhủ nào muốn gửi tới trường cũng như tới nhiều thế hệ sinh viên Ulaw không ạ?

Cô Phương Đài: Cô biết có nhiều bạn sinh viên, đặc biệt là các bạn khóa mới đôi khi vẫn tự hỏi rằng liệu mình chọn con đường Luật có đúng đắn chưa. Cô muốn nói với các em rằng nếu đã chọn con đường này thì dù  thích hay  không thích, các em hãy có trách nhiệm với quyết định của mình. Không có con đường nào là không có chông gai cả, vấn đề là các em có dũng cảm vượt qua nó không. Một khi mọi khó khăn đã ở phía sau thì hãy nhìn lại, các em sẽ thấy mình trưởng thành như thế nào. Cô từng nghe câu: “Sống, chờ đợi và hy vọng” nhưng đối với cá nhân cô “Sống, hành động và hy vọng” mới chính xác. Vì thế, đừng chờ đợi, hãy đứng lên tìm kiếm cơ hội cho mình. Cuối cùng cô có đôi lời muốn gửi đến  các em sinh viên, rằng sau này, dù làm việc ở đâu, ở bất cứ cương vị nào, các em phải là niềm tự hào của TRƯỜNG ĐẠI HỌC LUẬT TP.HCM và cô sẽ rất  hạnh phúc khi nhìn vào các em và nói với mọi người rằng: “Đó là học trò của tôi”. Cảm ơn các em đã chọn ngôi trường này làm nơi học tập, rèn luyện trong một quãng thời thanh xuân của mình. Cô chúc các em thành công trong học tập, trong công việc sau này và nhiều niềm vui trong cuộc sống.

BTT ULAW: Cảm ơn cô rất nhiều về buổi trò chuyện hôm nay. Sau khi chia tay với công việc giảng dạy, chúng em mong cô sẽ có những khoảng thời gian nghỉ ngơi vui vẻ và hạnh phúc bên gia đình ạ.

Thực hiện: Hoa Phan, Lam Thảo

Ban Truyền thông ULaw

--%>
Top